Từ các vụ cháy quán Karaoke: Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Việt Nam nói gì?
Từ các vụ cháy quán Karaoke vừa qua, nhiều câu hỏi được đặt ra đối với công tác quản lý, cấp phép, hành lang pháp lý liên quan đến phòng cháy chữa cháy
Là tổ chức xã hội – nghề nghiệp đầu tiên và duy nhất có pháp nhân chính thức hoạt động trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn với quy mô toàn quốc, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, sự quản lý của Bộ Công an, Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đã và đang quy tụ nhiều chuyên gia trong ngành. Để có cái nhìn đa chiều về công tác cấp phép, xây dựng các hành lang pháp lý cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện nay, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phi Long- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam.
Ông Nguyễn Phi Long đang trao đổi với phóng viên Báo Công Thương |
Thưa ông, theo QCVN 06: 2020/BXD của Bộ Xây dựng về “Quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình”, và TCVN về cấp độ cháy thì các quán karaoke đáng lẽ phải được xếp vào cấp độ nguy hiểm về cháy nổ ở mức cao nhất do vật liệu gây cháy bao phủ ít nhất 90% bề mặt xung quanh của phòng. Tuy nhiên ở Việt Nam thì chỉ được xếp ở cấp độ ở dạng thông thường. Vậy ông có bình luận gì về vấn đề này?
Theo Quy chuẩn 06/BXD quy định: Các yêu cầu chung về an toàn cháy cho nhà và các công trình xây dựng, quy định phân loại kỹ thuật và mức độ về cháy cho các nhà, bộ phận của nhà, cấu kiện xây dựng và vật liệu xây dựng.
Theo đó, quy định khi thiết kế các nhà phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng – không gian và kỹ thuật công trình phải đảm bảo:
Duy trì được tính ổn định và trụ vững trong một khoảng thời gian xảy ra cháy nhất định và được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà; giới hạn chịu lửa của vật liệu và kết cấu.
Mọi người trong nhà có thể sơ tán tới khu vực an toàn bên ngoài, trước khi xuất hiện nguy cơ đe dọa tính mạng, và sức khỏe do tác động của đám cháy;…
Đối với loại hình karaoke, vũ trường: trong QCVN 06 đã quy định cụ thể về công năng, yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC với công trình lân cận, giải pháp thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan,…
Quy chuẩn 06 do Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng, ban hành trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của Nga, Singapore, Châu Âu, NFPA (Mỹ)
Theo cách phân loại cấp nguy hiểm cháy của nhà theo công năng, được phân thành các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng, tuỳ thuộc vào đặc điểm sử dụng chúng, vào mức đe dọa tới sự an toàn của người trong trường hợp xảy ra đám cháy có tính đến: tuổi tác, trạng thái thể chất, khả năng có người đang ngủ hay thức, nhóm người sử dụng theo công năng chính và số người của nhóm đó.
Quy định tại QCVN 06:2020/BXD “Quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình” thì cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được phân loại thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng là nhóm F2.2 (nhóm này được đặc trưng bởi số lượng lớn khách lưu lại trong một khoảng thời gian nhất định).
Với cơ sở đặc thù như karaoke và vũ trường, Bộ Công an đã hướng dẫn chi tiết tại tại Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020
Thực tế, đối với các phòng hát karaoke, do đặc trưng riêng là phải cách âm, cách nhiệt nên thường được thiết kế dạng kín và sử dụng vật liệu cách âm, cách nhiệt (là loại vật liệu dễ cháy như mút, xốp, nhựa tổng hợp…) để bao phủ kín xung quanh gian phòng. Với kết cấu không gian kín, cách âm bằng các vật liệu dễ bắt cháy, sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn, nên khi xảy ra sự cố cháy thì tốc độ cháy lan nhanh, mức độ nguy hiểm rất lớn.
Tính chất nguy hiểm thể hiện ở các góc độ sau đây:
Thứ nhất, các phòng karaoke được bao phủ bởi vật liệu gây cháy hầu hết bề mặt xung quanh của gian phòng. Các vật liệu này thuộc dạng hạng cháy A nhưng lại tỏa nhiệt rất lớn do đây là những vật liệu từ sản phẩm hóa dầu (như mút, xốp, nhựa tổng hợp…) vì thế khi xảy ra cháy thì nhiệt lượng sinh ra sẽ rất lớn. Đồng thời, do vật liệu gây cháy phủ kín tường, trần và sàn nhà nên khi cháy sẽ tạo thành đám cháy 3 chiều với tốc độ cháy lan cực nhanh, dẫn đến nguy cơ tích nhiệt phá vỡ kết cấu xây dựng rất cao.
Thứ hai, các phòng hát karaoke có kiến trúc kín để hạn chế tiếng ồn, mặt trước (và xung quanh) công trình bị che chắn bởi các biển hiệu quảng cáo; điều kiện thông gió gần như không có nên khi xảy cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói, tụ khí độc gây nguy cơ tử vong cao. Hầu hết trong các vụ hỏa hoạn, phần lớn các nạn nhân tử vong do ngạt khi hít phải khói, khí độc.
Thứ ba, do đặc điểm của công trình kín nên khi xảy ra cháy thì nhiệt lượng sinh ra rất lớn, đồng thời khả năng thoát nhiệt hầu như không có.
Như trong vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương xảy ra ngày 06/9/2022 vừa rồi, theo chia sẻ của một lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh Bình Dương thì “sức nóng ở khu vực cháy thoát ra rất khủng khiếp, cán bộ chiến sĩ phải đeo mặt nạ phòng khí độc, phun nước làm mát liên tục nhưng vẫn không sao tiếp cận được bên trong”. Một cán bộ Công an thành phố Thuận An trực tiếp tham gia chữa cháy cho biết thêm: “Lúc bấy giờ, khi phun nước vào đám cháy, nước trào sôi bốc khói như nồi áp suất. Không thể tưởng tượng được sức nóng và khí độc”.
(Nguồn báo Tiền Phong:https://tienphong.vn/vu-chay-quan-karaoke-o-binh-duong-lam-chet-32-nguoi-vi-sao-phai-cuu-hoa-den-24-gio-post1468517.tpo)
Thứ tư, với các đặc trưng về kiến trúc kín, vật liệu cháy sinh ra nhiệt lượng lớn, hiện tượng tích tụ khói, khí độc lớn, và khả năng thoát nhiệt hầu như không có nên hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke cũng gây nguy hiểm rất lớn đối với lực lượng làm công tác chữa cháy và CNCH. Khi làm nhiệm vụ, họ luôn phải luôn phải đối diện trực tiếp với nhiều mối nguy hiểm như: sập đổ kết cấu công trình, nguồn nhiệt cao đột ngột của ngọn lửa…
Ý kiến khác: Chiếu theo các quy định trên thì chắc chắn cấu trúc cách âm và xây dựng trong quán Karaoke không đảm bảo các yêu cầu đề ra. Cụ thể: Vật liệu cách âm không phải loại chống cháy mà là dễ cháy; Khi tỏa nhiệt cao khiến cháy tự sinh ở các phòng kề cận- không đạt yêu cầu về chống cháy lan; Không có giải pháp khắc phục như phun nước giảm nhiệt, chữa cháy, cũng như các công nghệ khác. Như vậy, nếu nói Quy chuẩn là đúng và phù hợp thì vấn đề có phải ở chỗ áp dụng và cấp phép không? Nếu đúng thì tại sao lại để sai phạm nghiêm trọng như vậy? Về vấn đề viện dẫn chuẩn nước ngoài, người xây dựng tiêu chuẩn cần chỉ ra sự tương thích phù hợp, ví dụ quy định về vũ trường và karaoke ( nếu có) |
Do cấu tạo vật liệu trong các quán karaoke là sản phẩm hóa dầu nên tốc độ cháy và độ phát tán cháy rất nhanh tuy nhiên thay vì chạy ra khỏi đám cháy các nhân viên phục vụ thường được tập huấn là sử dụng các bình xịt tay để dập đám cháy dẫn đến thời gian vàng trong thoát khỏi đám cháy bị mất đi, ngộ độc khói dẫn đến mất khả năng tự thoát hiểm. Nhìn nhận của ông về vấn đề này thế nào? Theo ông giải pháp cần đưa ra là gì trong trường hợp này?
Như các bạn đã biết, trong phòng Karaoke và Vũ trường có lắp đặt rất nhiều vật liệu cách âm và tiêu âm theo yêu cầu tiêu chí thiết kế về âm thanh. Các vật liệu này có nhiều loại: Bông khoáng, bông thủy tinh, các vật liệu xốp có nguồn gốc từ vật liệu tổng hợp polimer, nguồn gốc dầu mỏ và cao su.
Các chất cách âm và tiêu âm chỉ có bông khoáng và bông thủy tinh là vật liệu khó cháy thì đa phần còn lại là vật liệu có nhiệt độ phân hủy (200-300 độ), nhiệt độ tự bốc cháy khá thấp (chỉ từ 400 -550 độ). Các chất này khi cháy sẽ phát triển đám cháy rất nhanh, nhiệt độ tỏa ra mạnh và tạo ra nhiều khói độc.
Quá trình tạo ra khói độc sẽ được tạo ra từ khi vật liệu bắt đầu quá trình phân hủy (nhiệt độ 200-300 độ) cho đến quá trình bắt cháy (khoảng 500 độ). Khói độc tạo ra trong đám cháy bao gồm: Hydro Xianua (HCN), Hydro Clorua (HCl), Nito Oxit (NO), Cacbon mono oxit (CO) và cacbonic (CO2). Các chất khói độc khi hít vào sẽ làm tê liệt hệ thống thần kinh con người trong vòng 20 giây, nạn nhân sẽ mất khả năng thoát hiểm rất nhanh. Thời gian vàng để thực hiện công tác chữa cháy trong các vụ cháy thông thường là 5 phút đầu tiên kể từ khi đám cháy phát sinh, tuy nhiên thời gian vàng để nạn nhân thoát hiểm trong những tình huống đặc biệt như nhà báo đề cập có thể ngắn hơn rất nhiều.
Giải pháp của tôi đề xuất là: phòng cháy là quan trọng nhất, giác ngộ được ý thức nguy hiểm của cháy nổ, thực hiện công tác chữa cháy 4 tại chỗ, tăng cường hệ thống cảnh báo và chỉ dẫn thoát nạn.
Ý kiến khác: Câu hỏi đặt ra là phòng cháy thế nào? Giác ngộ ý thức bằng cách nào? cảnh báo? Hướng dẫn? Mục tiêu 4 tại chỗ cụ thể là gì? Giải pháp nào dùng để kiểm soát khống chế đám cháy hỗ trợ thoát nạn và chờ ứng cứu?. Như đã nói, sau vài phút đám cháy khó khống chế bằng con người với dụng cụ cầm tay, tại sao không đưa giải pháp phòng cháy chữa cháy tự động làm giải pháp bắt buộc? Tại sao không có các khuyến cáo và hướng dẫn trang bị giải pháp công nghệ cụ thể bám với thực tiễn? |
Tại Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an có quy định rõ “cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phải từ 3 tầng trở lên hoặc nhà cao 01 hoặc 02 tầng có diện tích kinh doanh từ 3.500 m2 trở lên mới phải lắp đặt hệ thống phun phòng cháy chữa cháy cố định tự động. Theo ông với đặc thù và thực tế cháy các vụ cháy quán Karaoke như vừa qua thì liệu quy định này có phù hợp với thực tế?
Bộ Công an đã ban hành Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 thay thế cho thông tư 47. Thông tư này quy định: biện pháp bảo đảm an toàn cho phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, bao gồm: Điều kiện an toàn, thiết kế, thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu; Bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Trách nhiệm của Công an và các đơn vị địa phương.
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Các loại hình Cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke
2. Công an các đơn vị, địa phương.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke.
Tại Thông tư 147/2020, phần Phụ lục Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có quy định:
Hệ thống chữa cháy tự động được trang bị tại cơ sở thuộc một trong các trường hợp sau:
Nhà khung thép mái tôn có diện tích kinh doanh từ 1.200 m2 trở lên.
Nhà cao 01 hoặc 02 tầng có diện tích kinh doanh từ 3.500 m2 trở lên.
Nhà cao từ 03 tầng trở lên.
Bố trí bên trong tầng hầm.
Các công trình khác không thuộc phạm vi trên sẽ theo hướng dẫn của Lực lượng phòng cháy chữa cháy tại địa bàn.
* Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà được trang bị tại cơ sở thuộc một trong các trường hợp sau:
Có khối tích từ 1.500 m3 trở lên hoặc cao từ 3 tầng trở lên hoặc bố trí trong tầm hầm.
Đến 10 tầng và có khối tích trên 25.000 m3 hoặc từ 11 tầng và khối tích đến 25.000 m3 hoặc bên trong tầng hầm.
Từ 11 tầng đến 16 tầng và có khối tích trên 25.000 m3.
Theo tôi, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam khá đầy đủ. Các quy định khá chi tiết, khá rõ ràng và tương đương với quy chuẩn của các nước phát triển (Nga, Singapore, Hàn Quốc…), có những quy định còn cao hơn. Ví dụ yêu cầu về buồng thang thoát nạn (thang N1,N2,N3…). Hướng dẫn này, giúp cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn có thể hướng dẫn và kiểm tra liên quan đến công tác an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Ý kiến khác: Với các quy định trên nếu đầy đủ và phù hợp với thực tế thì tại sao không giải quyết được vấn đề? Phải chăng chưa bám sát với thực tiễn hay do nguyên nhân khác? Trong khi các công trình chung cư được xếp ở mức độ cháy nguy hiểm thấp hơn loại hình Karaoke nhưng theo quy định vẫn phải trang bị hệ thống phun nước cứu hỏa tự động. Trong khi các quán karaoke cháy trong thời gian qua chủ yếu là các quán có diện tích trong khoảng trên dưới 1.000m2. |
Vấn đề xử lý quá nhiệt, xử lý khói đen, dập cháy và hạ nhiệt… trong công tác phòng cháy chữa cháy đã thực sự có giải pháp hiệu quả trong các vụ cháy vừa qua chưa thưa ông? Đâu là vấn đề cốt lõi trong xử lý những vấn đề này thưa ông?
Như đã trao đổi ở trên (câu 1-PV), do các đặc thù riêng của cơ sở kinh doanh karaoke nên khi xảy ra cháy thì nhiệt lượng sinh ra rất cao; xuất hiện hiện tượng tụ khói độc, khí độc gây nguy cơ tử vong cao; khả năng thoát nhiệt gần như bằng không do các gian phòng và cả cơ sở có kết cấu kín.
Vì thế khi lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đến hiện trường làm công tác chữa cháy sẽ thực hiện việc phun nước làm mát khu vực cháy, các biện pháp để thoát khói, khống chế ngọn lửa và tiếp cận vào trong để tìm kiếm và cứu người bị nạn.
Lượng khói, khí độc sinh ra rất nhiều và bị tụ lại bên trong các gian phòng, trong hành lang của cơ sở bị cháy. Lượng khói này chỉ có thể thoát ra ngoài khi kết cấu bị phá vỡ (như trường hợp lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn dỡ mái nhà, đục thủng tường nhà). Trên thực tế, việc đục phá kết cấu để thoát khói, thoát nhiệt và dập tắt đám cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke thường gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian do các cơ sở này trang bị các biển quảng cáo với khung thép rất lớn phía trước (và xung quanh). Đây là các vi phạm khá phổ biến tại các cơ sở kinh doanh karaoke bởi đã có các quy định rất rõ ràng về thiết kế, lắp đặt biển quảng cáo đối với cơ sở kinh doanh karaoke (quy định tại điểm đ, mục 2, điều 6 Thông tư 147/2020/TT-BCA).
Xử lý khói đen đang là vấn đề đặt ra cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn |
Theo tôi được biết thì Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Bộ Công an vẫn thường xuyên hợp tác, trao đổi với các cơ quan, tổ chức phòng cháy chữa cháy trên thế giới, các doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy trong và ngoài nước để cập nhật các giải pháp chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tiên tiến nhất.
Ở góc độ Hiệp hội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam, chúng tôi cũng bắt đầu triển khai các chương trình hợp tác với các tổ chức, hiệp hội phòng cháy chữa cháy trên thế giới (như Hiệp hội phòng cháy, chữa cháy Nhật Bản, Hiệp hội sản xuất phương tiện phòng cháy chữa cháy Nhật Bản, …) để tiếp cận các công nghệ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tiên tiến, hiện đại nhất, qua đó kết nối để chuyển giao các công nghệ hiện đại đó vào ứng dụng trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại Việt Nam.