TP Hồ Chí Minh: Sớm ‘chặn đứng’ các hiểm họa cháy nổ do hàn xì

Đăng bởi Tin tức

Thời gian gần đây, rất nhiều vụ cháy lớn xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng của người dân. Điều đáng nói, đa số các vụ cháy có nguyên nhân bắt nguồn từ việc hàn cắt kim loại (hàn xì) khi sửa chữa.

Chú thích ảnh
Khi thi công các công trình, thợ hàn xì phải có đồ bảo hộ và che chắn các vỉa hàn để đảm bảo phòng cháy. 

Những tia lửa hàn “tử thần’

Dù đã được cảnh báo liên tục, nhưng thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ cháy do sự bất cẩn của thợ hàn xì, thậm chí đã có vụ cháy dẫn đến chết người.

Chú thích ảnh
Vụ cháy tại quán Karaoke ở số 231 phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH (Công an quận Cầu Giấy) hy sinh trong quá trình chữa cháy. Ảnh: TTXVN

Đầu tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội, đã xảy ra vụ cháy tại quán karaoke 6 tầng ở số nhà 231 phố Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh khi tham gia chữa cháy. Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định: Nguyên nhân cháy là do việc hàn xì sửa chữa quán.

Nhiều người dân TP Hồ Chí Minh cũng chưa quên vụ cháy Vũ trường Blue, thuộc Trung tâm thương mại Quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITC) vào trưa ngày 29/10/2002, với con số thương vong vô cùng lớn: 60 người chết và 70 người bị thương, thiệt hại hơn 32 tỷ đồng.  Theo Công an TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân của vụ cháy được xác định do việc hàn xì giàn đèn trên trần vũ trường Blue ở tầng ba, xỉ hàn đã bắn vào lớp xốp cách âm, gây cháy dữ dội.

Thành phố Hồ Chí Minh sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang trở lại cuộc sống bình thường, các công ty, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại, nên nhu cầu nâng cấp, sửa chữa nhà xưởng, công ty, điểm kinh doanh tăng cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ từ sự bất cẩn của người thi công, nhất là trong việc hàn cắt kim loại.

Mới đây nhất, nhóm công nhân trong lúc hàn xì, sửa chữa quán cà phê trên đường Võ Văn Kiệt (phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã để tia lửa hàn bắn sang căn nhà 3 tầng liền kề (số 172 Võ Văn Kiệt). Do trong nhà có nhiều vật dụng dễ cháy nên đã bén lửa, khiến căn nhà bốc cháy dữ dội. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng nhiều tài sản cũng đã bị hư hại.

Chú thích ảnh
Hiện trường căn nhà bị cháy do hàn xì tại phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1. Ảnh: AH

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra các công trình thi công có liên quan đến công việc hàn xì, điều kiện làm việc của các thợ hàn xì ở những nơi này không đảm bảo an toàn PCCC. Khu vực hàn xì trong công trình xây dựng khá chật hẹp, xung quanh lại có nhiều vật dụng dễ cháy như bao xi măng, gỗ, sơn, xốp… nhưng lại không có biện pháp che chắn, để các tia lửa hàn bắn tung tóe ra xung quanh, gây nguy cơ cháy nổ cao. Đó là chưa kể trong các công trình này không được trang bị bình chữa cháy, nên nếu có xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ nhanh chóng bùng phát, cháy lan sang các khu nhà lân cận.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07 cho biết, khi hàn, cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa lên đến 3.000°C, nhiệt độ mối hàn cũng gần 2.000°C. Quá trình hàn cắt kim loại thường phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (có nhiệt độ trên 1.000°C) bắn ra xung quanh, dễ gây cháy nếu gặp các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút, xốp…

Một thực trạng ở hầu hết các vụ cháy nổ xảy ra mà nguyên nhân từ hàn xì là do ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao. Vì vậy khi hàn xì, những thợ hàn không thực hiện các biện pháp an toàn PCCC như: Chuẩn bị dụng cụ chắn tia lửa; sắp xếp nơi làm việc gọn gàng; kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn; kiểm tra nguồn điện, tình trạng bình khí, mỏ hàn trước khi sử dụng… Ngoài ra, còn có sự thiếu trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp chủ quản trong việc trang bị kiến thức cơ bản nhất về vệ sinh an toàn phòng, chống cháy nổ cho nhân viên.

Anh Nguyễn Quang Toản, chủ cơ sở thi công khung sắt Quang Toản (thành phố Thủ Đức) cho biết, hơn 15 năm theo nghề, không ít lần thợ của anh bất cẩn để tia lửa hàn văng trúng các vật dụng dễ cháy, nhưng may mắn đã dập tắt kịp thời trước khi đám cháy phát triển mạnh. Vì thế, mỗi lần thi công công trình, anh đều theo dõi sát việc hàn xì của thợ, liên tục nhắc nhở thợ của mình dọn dẹp khu vực cắt sắt, hàn xì sạch sẽ rồi mới thi công.

Cần áp dụng quy định triệt để

Để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trong quá trình thi công hàn xì, đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết, trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m); không để tia lửa hàn có nhiệt độ cao bắn vào các vật liệu dễ cháy; phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ. Ngoài ra, khi thợ hàn xì làm việc, người đứng đầu cơ sở phải giám sát hoạt động hoặc cử người giám sát chặt chẽ để xử lý và cảnh báo thợ hàn khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Chú thích ảnh
Sau khi ngừng công việc hàn xì, thợ hàn cần kiểm tra khu vực xung quanh xem có tồn tại các nguy cơ, yếu tố dẫn đến cháy nổ không, nếu có phải loại trừ ngay.

Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, tại các công trình thi công phải trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như: Bình chữa cháy tại khu vực tiến hành hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đối với những cơ sở, công trình, người dân cần lưu ý khi thuê thợ hàn cắt, cần tìm những nơi uy tín, có giấy phép cũng như chứng chỉ hành nghề, để tránh rủi ro xảy ra đối với cơ sở, công trình, nhà ở và tài sản, tính mạng con người. Khi thi công hàn xì, khu vực hàn cắt kim loại phải cách ly với khu vực làm các công việc khác. Khử dầu mỡ trên bề mặt của vật hàn, phải dùng chất không gây cháy, nổ và không độc hại.

“Người dân cần thuê, sử dụng người có chứng chỉ về công việc hàn xì, được huấn luyện về an toàn lao động, an toàn PCCC để thực hiện công việc hàn, cắt kim loại. Đối với các chủ thầu thi công, thường xuyên huấn luyện về an toàn lao động cho công nhân hàn để họ nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn, cắt kim loại; biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt đám cháy ngay khi đám cháy mới phát sinh”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết thêm.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề hàn xì, anh Nguyễn Quang Toản cho rằng, để đảm bảo an toàn cháy nổ khi hàn xì, trước khi thi công một công trình, anh thường nhắc nhở những thợ hàn của mình rằng, khi thi công cần trang bị đồ bảo hộ cá nhân, không dùng búa, các dụng cụ phát tia lửa để gõ vào nắp chai chứa khí. Khi mồi lửa cho mỏ hàn hơi, thợ phải dùng diêm, bật lửa chuyên dụng. Khi hàn không quàng ống dẫn khí vào cổ, vào vai, kẹp chân, cuộn tròn hay bẻ gập ống. Thợ đang hàn mà mỏ hàn hơi cháy thì không mang ra khỏi khu vực làm việc. Hàn trên cao không được mang mỏ hàn hơi đang cháy để leo thang. Khi nghỉ phải tắt lửa mỏ hàn, đóng van cấp khi tới mỏ hàn. Khi hàn hồ quang chỉ được phép cấp điện từ máy phát điện hàn, máy biến áp hàn, máy chỉnh lưu. Không được phép cấp trực tiếp từ lưới điện động lực, lưới điện chiếu sáng hoặc lưới điện xe điện…

Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, trong tháng 7, Thành phố xảy ra 10 vụ cháy, rất may là không có thương vong về người.

Nhờ áp dụng các biện pháp phòng cháy chữa cháy hiệu quả, tình hình cháy nổ trong 7 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 và 2019 trên 3 tiêu chí về số vụ, thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản.

Bài, ảnh: Mạnh Linh – Hoàng Tuyết/Báo Tin tức