Thông qua hồ sơ Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Kinhtedothi – Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ là căn cứ để Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và UBND các địa phương triển khai thực hiện, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ngày 28/2, Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (Hội đồng thẩm định) tổ chức hội nghị thẩm định tại Hà Nội.
Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua Hồ sơ Quy hoạch hạ tầng PCCC hời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Việc triển khai có hiệu quả Quy hoạch sẽ giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của Nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đồng thời, cũng góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022, của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC…
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) – Cơ quan lập quy hoạch cho biết, trong bối cảnh công tác PCCC nói chung và hạ tầng PCCC nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của tình hình phát triển kinh tế – xã hội, việc nghiên cứu lập quy hoạch PCCC với cách tiếp cận tổng thể và tích hợp đa ngành để có thể giải quyết một cách cơ bản và toàn diện các vấn đề thách thức hiện nay cũng như định hướng chiến lược cho sự phát triển hạ tầng PCCC cho giai đoạn trung hạn (5 năm) và dài hạn (10 năm), cũng như tầm nhìn lâu dài (sau 20 năm) là rất cấp thiết.
Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an giao, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch, trong đó xác định các đối tượng quy hoạch gồm: Mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ PCCC; hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC; hệ thống giao thông phục vụ PCCC; hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.
Hồ sơ Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Hội đồng thẩm định đã nhận được trên 120 ý kiến tham gia góp ý. Sau khi Hội đồng thẩm định được thành lập, Cơ quan thường trực Hội đồng tiếp tục gửi hồ sơ quy hoạch để các thành viên hội đồng đánh giá, thẩm định; cơ quan lập quy hoạch đã tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định của thành viên hội đồng, ủy viên phản biện, chuyên gia và gửi hồ sơ cập nhật, bổ sung tới Hội đồng thẩm định.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định, ủy viên phản biện và các đại biểu đã tham gia ý kiến, tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính được quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định gồm: Sự phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4, Điều 16 của Luật Quy hoạch; tích hợp các nội dung đề xuất của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành đưa vào nội dung quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sự phù hợp của quy hoạch với quy định tại Điều 20, Điều 21 và Điều 25 của Luật Quy hoạch về quy trình lập căn cứ, lập quy hoạch, yêu cầu về nội dung quy hoạch và quy định về quy hoạch ngành kết cầu hạ tầng quốc gia…
Thay mặt Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương triển khai lập theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Nội dung quy hoạch lần này về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 25 Luật Quy hoạch và Điều 23 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.
Tại phiên họp, Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua Hồ sơ Quy hoạch hạ tầng PCCC. Sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là căn cứ để Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và UBND các địa phương triển khai thực hiện, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng thời, việc triển khai có hiệu quả quy hoạch cũng góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguồn: Thùy Anh (kinhtedothi.vn)