Phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

Đăng bởi Tin tức

Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” được triển khai trên toàn quốc thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Diễn tập tình huống giả định phòng cháy, chữa cháy tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Diễn tập tình huống giả định phòng cháy, chữa cháy tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một ngày giữa tháng 5 khi những đợt nóng gay gắt diễn ra dài ngày trên diện rộng, tại tổ dân phố số 4, phường Chương Dương, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và Ủy ban nhân dân phường Chương Dương phối hợp tổ chức diễn tập phương án chữa cháy tại Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tình huống giả định, đám cháy xảy ra tại khu vực tầng 1 ngôi nhà số 61, diện tích cháy khoảng 10 m2. Nguyên nhân gây cháy là do chập điện. Lửa nhanh chóng lan sang các khu vực chung quanh tạo thành đám cháy. Trong nhà có 4 người lớn. Chủ nhà đã ra vị trí đặt chuông báo cháy của Tổ liên gia để báo động cho người dân chung quanh và hô “cháy, cháy, cháy…”.

Lực lượng tham gia chữa cháy chính là các thành viên trong Tổ liên gia phối hợp cùng đội phòng cháy, chữa cháy, lực lượng công an phường khống chế, dập tắt đám cháy hoàn toàn. Tại buổi diễn tập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chương Dương Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Phường Chương Dương được xác định là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao do diện tích chật hẹp, mật độ dân cư đông; tập trung nhiều loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nhất là 88 khu nhà gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong khi đó, nguồn nước chữa cháy công cộng ít, chỉ có 5 trụ cấp nước, đạt 9,5% so với tiêu chí quy định. Sau ba năm triển khai hai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng”, số vụ cháy ngày càng giảm, tỷ lệ số vụ cháy do lực lượng tại chỗ tự dập tắt ngày càng cao. Để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác này, phường Chương Dương tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy tại khu dân cư”.

Hà Nội, thành phố đông dân thứ hai trên cả nước được đánh giá là địa bàn tập trung nhiều khu tập thể cũ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chứa hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ cao.

Để giảm đến mức thấp nhất hậu quả khi xảy ra sự cố về cháy, nổ, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực vận động các hộ gia đình dỡ bỏ lồng sắt, mở lối thoát nạn thứ hai tại ban-công, tự trang bị phương tiện chữa cháy, chủ động xử lý khi sự cố xảy ra. Bà Thái Thị Liên (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) cho biết: Tham gia mô hình Tổ liên gia, chúng tôi được trang bị dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, được tập huấn cơ bản các bước khi xảy ra cháy, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm. Đây là mô hình rất thiết thực.

Còn tại phường Kỳ Bá, một trong những địa bàn trọng điểm của thành phố Thái Bình, do dân cư đông, có nhiều hộ kinh doanh cho nên nguy cơ cháy, nổ luôn ở mức cao. Trung tá Lê Bá Thắng, Trưởng Công an phường Kỳ Bá cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, phường triển khai thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng”.

Người dân nhiệt tình ủng hộ. Từ mô hình ra mắt đầu tiên vào tháng 1/2023, đến nay toàn phường đã xây dựng được 31 mô hình tổ liên gia an toàn ở 10 tuyến đường, phố chính và 21 điểm chữa cháy công cộng, ở nơi tập trung nhiều nhà dân, có chiều sâu từ 50 m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Mỗi điểm chữa cháy công cộng được trang bị 2 bình chữa cháy, 1 hộp đựng phương tiện chữa cháy, 1 biển tiêu lệnh chữa cháy, 1 kẻng báo động, dụng cụ kìm, búa, xà-beng, xà cầy, tiêu lệnh, nội quy quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Nguồn kinh phí thực hiện do xã hội hóa và vận động nhân dân đóng góp mua sắm, lắp đặt.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, tổ 1, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Những nơi dân cư đông, ngõ nhỏ, bà con rất lo lắng mỗi khi được nghe thông tin về một vụ cháy nào đó. Từ khi tham gia mô hình, người dân sống trong những ngõ nhỏ cảm thấy yên tâm hơn. Điều có ý nghĩa hơn cả là khi tham gia tổ liên gia, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt hơn. Không chỉ riêng phòng cháy, chữa cháy mà mỗi nhà được trang bị một cái chuông, nếu xảy ra trộm cắp hay sự cố gì thì chỉ cần nhấn chuông là các nhà trong tổ đều biết, nhanh chóng cùng nhau xử trí…

Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” được triển khai tại tổ dân phố với sự tham gia từ 5 đến 15 hộ gia đình liền kề tham gia. Mỗi hộ được bố trí 1 đầu báo cháy, 1 nút nhấn báo cháy. Đồng thời, mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy, 1 dụng cụ phá dỡ như xà-beng, kìm cộng lực…

Tổ liên gia có nhiệm vụ nắm tình hình liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, kịp thời phản ánh với chính quyền; tuyên truyền, vận động các thành viên hộ gia đình tự giác chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tích cực, chủ động tham gia mô hình; thực hiện các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các phương án thoát nạn khi có sự cố xảy ra; tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ, sự cố trong khu vực tổ liên gia.

Đến nay cả nước đã xây dựng gần 24.000 mô hình Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy, hơn 28.000 mô hình Điểm chữa cháy công cộng; mở 52.300 lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn với gần 7,8 triệu gia đình, chủ hộ kinh doanh và người dân.

Đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, thời điểm vàng trong chữa cháy là không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Khi đám cháy mới bùng phát, nếu lực lượng tại chỗ có thể phát hiện nhanh chóng, xử lý, kịp thời dập tắt đám cháy thì có thể kéo giảm thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất. Các tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy chính là lực lượng có thể tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất.

Quần chúng nhân dân tham gia chữa cháy với phương châm “lực lượng ở trong dân-phương tiện ở trong dân-hậu cần ở trong dân-chỉ huy ở trong dân” sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.

Nguồn: Thái Sơn (BÁO NHÂN DÂN)