Nhà ở kết hợp kinh doanh: Linh động bố trí lối thoát nạn

Từ ngày 10-6, Quyết định 16/2021/QĐ-UBND ngày 31-5-2021 (gọi tắt Quyết định 16) quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất có hiệu lực.

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TPHCM để làm rõ các vấn đề có liên quan.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm
Cam kết chịu trách nhiệm về PCCC 

 * PHÓNG VIÊN: Thưa ông, việc UBND TPHCM ban hành Quyết định 16 trong thời điểm tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố diễn tiến phức tạp liệu có kịp thời?

 – Đại tá HUỲNH QUANG TÂM: Trên địa bàn TPHCM có khoảng 2 triệu hộ gia đình, trong đó có trên 300.000 hộ gia đình có nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Loại hình nhà ở này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Thời gian qua, tình hình cháy nổ ở loại nhà này chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ (khoảng 50%) lẫn thiệt hại về người (khoảng 83%), tài sản.

Từ thực trạng trên, Công an TPHCM đã tham mưu cho UBND TPHCM ban hành Quyết định 16. Đây là một quyết định mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong công tác PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TPHCM.

* Hiện nay, phần lớn nhà ở kết hợp kinh doanh không có lối thoát nạn. Người dân cần chú ý những quy định nào trong việc bố trí lối thoát nạn?

 – Đối với nhà chỉ có 1 lối ra thoát nạn, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân bố trí một cách linh động phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Quyết định 16, phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà, hoặc thang nối giữa các tầng nhà, hoặc lối ra khẩn cấp như: lối thoát qua ban công, lối lên sân thượng, lên mái để có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn.

Nhà có tầng sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định. Tại vị trí cửa lên tầng mái nếu có bố trí khóa cửa thì phải thiết kế để có thể dễ dàng mở cửa từ bên trong. Không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên.

Cửa chính của nhà thoát nạn ra ngoài phải sử dụng cửa có bản lề. Nhà có thiết kế ban công, lôgia phải đảm bảo thông thoáng, không được che chắn ban công. Trường hợp người dân muốn trang bị cửa cuốn, cửa trượt, lưới sắt… để bảo vệ tài sản thì phải cam kết chịu trách nhiệm về PCCC.

Ngoài ra, các gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối ra thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Trường hợp tầng 1 (tầng trệt) được sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì lối thoát nạn không nhỏ hơn 0,8m.

* Mỗi nhà cần trang bị bao nhiêu bình chữa cháy theo Quyết định 16?

 – Theo quy định, nhà có 3 tầng thì trang bị tối thiểu 3 bình chữa cháy (mỗi tầng 1 bình chữa cháy). Mỗi nhà ở riêng lẻ cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy ở mỗi tầng phù hợp với quy mô, điều kiện gia đình. Bình chữa cháy phải được bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời xử lý sự cố cháy, nổ xảy ra. Khoảng cách di chuyển lớn nhất đến bình chữa cháy không quá 20m.

Nhà ở kết hợp kinh doanh: Linh động bố trí lối thoát nạn ảnh 2
Lực lượng Công an quận Tân Phú tuyên truyền, kiểm tra PCCC ở các hộ kinh doanh. Ảnh: C.A cung cấp
Thời hạn 6 tháng để thực hiện

 * Cơ quan chức năng yêu cầu người dân cam kết sửa chữa, cải tạo và trang bị PCCC theo quy định trong thời gian bao lâu?

 – Theo Quyết định 16, đối với nhà ở có sẵn, đã chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh trước thời điểm quy định này có hiệu lực, chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh phải cam kết thực hiện xong các yêu cầu trên trong thời hạn 6 tháng nhằm bảo đảm an toàn PCCC.

Đối với nhà ở có sẵn, chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh sau thời điểm quy định này có hiệu lực phải đảm bảo an toàn PCCC theo Quyết định 16 trước khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

* Trách nhiệm tuyên truyền phổ biến quy định, kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC đối với loại nhà ở kết hợp kinh doanh như thế nào?

 – UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến quy định này đến người dân. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện quy định an toàn PCCC nêu trên đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TPHCM xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể cho các đơn vị, sở ban ngành thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện để thống nhất thực hiện trong toàn thành phố, góp phần triển khai Quyết định 16 có hiệu quả, vì sự an toàn, bình yên và hạnh phúc của người dân thành phố.

VĂN MINH thực hiện