Thượng tá Trần Kim Khánh – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học Phòng cháy chữa cháy, Đại học Phòng cháy chữa cháy đã có trao đổi về nội dung này.
PV: Thưa ông, theo kinh nghiệm phòng cháy chữa cháy của mình, ông nhận thấy các vụ cháy xảy ra nhiều nhất ở đâu?
Thượng tá Trần Kim Khánh: Theo thống kê thì số nạn nhân và số vụ cháy xảy ra nhiều nhất ở các khu vực dân cư, bao gồm cả nhà riêng các chung cư cũ. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy là do vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Các vụ cháy bắt nguồn chủ yếu do ý thức và nhận thức của con người, sự coi thường hỏa hoạn của một bộ phận dân cư. Còn theo nguồn gốc phát sinh, chủ yếu do sự xuất hiện bất thường của các loại nguồn nhiệt, ngọn lửa tại những nơi đã có sẵn chất cháy. Theo góc độ kỹ thuật, chủ yếu liên quan đến thiết bị điện và hệ thống điện. Theo góc độ xã hội, các vụ cháy bắt nguồn từ ý thức chủ quan, coi thường hỏa hoạn của một bộ phận dân cư. Theo nguồn gốc phát sinh cháy, chủ yếu do sự xuất hiện bất thường của nguồn nhiệt tại nơi có sẵn chất cháy. Theo góc độ kỹ thuật, chủ yếu do thiết bị điện và hệ thống điện.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về mức độ trang bị phương tiện chữa cháy thoát hiểm tại mỗi gia đình?
Thượng tá Trần Kim Khánh: Do thói quen và nhận thức chưa đầy đủ của đại đa số quần chúng nhân dân nên việc chủ động trang bị thiết bị báo cháy, thiết bị chữa cháy, thiết bị thoát hiểm tại các gia đình hầu như chưa có hoặc chưa được quan tâm đúng với thực tiễn đòi hỏi. Tôi dẫn chứng, có thể là trong gia đình chi tiêu cho mua sắm là nhiều và thường xuyên, tuy nhiên, để bỏ ra vài trăm nghìn, có thể trong 5 năm để mua một bình chữa cháy, dụng cụ có thể cứu mạng cả gia đình thì đa số mọi người chưa nghĩ đến hoặc là tiếc tiền. Trừ những người đã được tập huấn khi làm việc tại cơ quan, đa số cư dân còn lại là những người lao động tự do, người già,trẻ em trong gia đình đều không có kiến thức cũng như là các kỹ năng về chữa cháy và cứu hộ. Kết hợp với việc trong gia đình thường không có các phương tiện chữa cháy tại chỗ nên rất khó khăn khi mà sử dụng các phương tiện dập cháy giai đoạn ban đầu. Đặc biệt, khi có cháy xảy ra, việc thoát hiểm cũng chưa đề cập tới, nhất là với loại nhà nhiều tầng nhưng có một mặt tiền, vừa là nhà kết hợp kinh doanh mà dân hay gọi là nhà ống.
PV: Vâng, nhiều người cho rằng, việc thiết kế nhà không có lối thoát hiểm, nhất là nhà tập thể, kiểu “chuồng cọp” sẽ rất nguy hiểm, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Thượng tá Trần Kim Khánh: Tôi cho rằng đây là nhận thức đúng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chúng ta phải luôn luôn lấy công tác phòng ngừa, ngăn chặn được ưu tiên hàng đầu. Đó là biện pháp chủ yếu, trong đó, sẵn sàng chuẩn bị về lực lượng, phương tiện kỹ thuật, về phương án để dập cháy, cứu người trong mọi tình huống. Mỗi gia đình đang ở trong ngôi nhà như thế thì nên chủ động làm tốt công tác phòng.
Thứ hai, nên ít nhất mỗi nhà có một bình chữa cháy, nên tạo thêm các lối thoát hiểm dự phòng khác ngoài lối cửa chính tầng một. Các gia đình nên ưu tiên lựa chọn lối thoát hiểm theo thứ tự như sau: Chúng tôi thường có câu là “một L và 2 F”. Một L, tức là phải ưu tiên chọn hướng thoát hiểm từ trên xuống tầng một và ra ngoài. Còn trường hợp hai, giống như chữ F, tức là khi cháy xảy ra ở tầng 1 hoặc tầng 2, thì lúc đấy lựa chọn sẽ là lên trên tầng một hoặc là tầng hai sang ngang để sang nhà hàng xóm hoặc thoát ra ban công để chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp hoặc là các lực lượng khác đến ứng cứu.
Trong gia đình nên thống nhất vị trí để chìa khóa để tất cả các thành viên có thể mở cửa. Đối với trường hợp mà buộc phải sử dụng 2 khóa thì nên để tách riêng hai chìa khóa, một khóa to, một khóa nhỏ, để đảm bảo là khi mà chúng ta không nhìn thấy vẫn có thể được lần mò đúng được chìa khóa.
PV: Mới đây chính quyền một số nơi có chủ trương, trong đó thủ đô Hà Nội đã đề xuất và triển khai thực hiện phải có thêm cửa thoát hiểm dự phòng ở tất cả các ngôi nhà, Ông có ý kiến gì về việc này?
Thượng tá Trần Kim Khánh: Về mặt kỹ thuật thì hoàn toàn có thể thực hiện được việc này. Theo tôi được biết, hiện nay công an các địa phương đang triển khai kế hoạch số 23 của Bộ Công an về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các hộ gia đình có nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.
Đơn cử như Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tham mưu cho UBND quận triển khai vận động người dân mở lối thoát hiểm dự phòng. Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, chữa cháy công cộng sử dụng chung các phương tiện chữa cháy trong gia đình gần nhau có thể sử dụng chung các lối thoát hiểm dự phòng thứ hai, tức là nhà này thoát sang nhà kia.
Công an huyện An Dương, thành phố Hải Phòng tham mưu cho chính quyền ra mắt mô hình “Thôn an toàn phòng cháy, chữa cháy” theo quyết định 1237 của UBND thành phố Hải Phòng về việc ban hành tiêu chí thôn an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Cá nhân tôi rất ủng hộ chủ trương và sáng kiến cũng như phong trào hay là mô hình này, thậm chí là tôi mong muốn còn có những quy định bắt buộc các hộ gia đình phải có lối thoát hiểm dự phòng và cao hơn nữa là hình thành văn hóa an toàn phòng cháy, chữa cháy và nạn cứu hộ, cũng như sẵn sàng ứng cứu sự cố trong các gia đình Việt Nam.
PV: Hiện việc trang bị kiến thức cho người dân về PCCC và thoát nạn chưa được thường xuyên, đa số người dân vẫn nhận thức chưa đầy đủ về hỏa hoạn và tai nạn. Vậy theo ông, việc phổ biến kiến thức ở các tổ dân phố, các khu dân cư làm như thế nào cho có hiệu quả?
Thượng tá Trần Kim Khánh: Theo tôi, cá nhân mỗi người dân nên tự tìm hiểu, tự trau dồi kiến thức để bảo vệ bản thân mình cũng như người thân gia đình. Thứ hai, cơ quan chức năng, lực lượng công an, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quyền các địa phương, các cơ quan thông tấn cần tăng cường chất lượng các nội dung tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh đại chúng và truyền thanh cơ sở.
Thứ ba, nên lồng ghép các nội dung an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong các buổi sinh hoạt, hội họp của các tổ chức đảng, đoàn cũng như toàn hệ thống chính trị. Nên nhân rộng các mô hình, các phong trào phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng. Nội dung nữa là phát tờ rơi, gửi tin nhắn qua điện thoại, qua mạng xã hội. Tăng cường thời lượng về các nội dung này trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng nội dung giáo dục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tai nạn thương tích phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Đào tạo đội ngũ giáo viên để đưa các nội dung này vào giảng dạy bắt buộc ở từng cấp học trong nhà trường theo tinh thần Thông tư số 06/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiến tới xây dựng văn hóa an toàn phòng, chống hỏa hoạn và tai nạn trong toàn dân.
PV: Xin cảm ơn ông!/.