Nâng cao ý thức phòng, chống ‘giặc lửa’

Đăng bởi Tin tức

Phòng, chống ‘giặc lửa’ là câu chuyện chưa bao giờ cũ không chỉ đối với lực lượng chức năng mà còn đối với mỗi gia đình, người dân. Để hạn chế các vụ cháy, nổ, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp với phương châm ‘phòng hơn chữa’.

Thấy cháy… bấm chuông

Đêm 28/6, một ki ốt sản xuất giò chả ở chợ Mọc, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) bất ngờ bốc cháy. Nhờ việc phát hiện, xử lý bước đầu của người dân và nỗ lực của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an huyện nên sự cố cháy nhanh chóng được kiểm soát, không gây chán lan, cháy lớn.

Cán bộ Công an huyện Tân Yên và thị trấn Cao Thượng hướng dẫn thành viên mô hình "Tổ liên gia bảo đảm ANTT và PCCC" tổ dân phố Phố Mới thực hành kỹ năng sử dụng bình chữa cháy dập lửa.

Cán bộ Công an huyện Tân Yên và thị trấn Cao Thượng hướng dẫn thành viên mô hình “Tổ liên gia bảo đảm ANTT và PCCC” tổ dân phố Phố Mới thực hành kỹ năng sử dụng bình chữa cháy dập lửa.

Ông Lê Văn Minh, Tổ phó Tổ liên gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) và PCCC tổ dân phố Phố Mới, thị trấn Cao Thượng nhớ lại: “Tiếng chuông báo cháy vang lên lúc 22 giờ 30 phút, chúng tôi hô hào nhau hỗ trợ mỗi người một tay, người mang xô chậu, người dọn đường. Những kiến thức được học, được huấn luyện như lắp lăng vòi chữa cháy, nối dây, phun phụt thế nào chúng tôi áp dụng bằng hết”.

Được biết, Tổ liên gia này hiện có 11 hộ thành viên đều là các gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh liền kề nhau. Sau khi được công an tuyên truyền, mỗi hộ góp kinh phí lắp đặt hệ thống chuông báo, trang bị bình chữa cháy. Các hộ đều có ý thức dỡ bỏ chuồng cọp, mở thêm lối thoát nạn thứ 2. Bà Nguyễn Thị Nhuận, kinh doanh mặt hàng điện, nước nói: “Xem thời sự, nghe tuyên truyền thấy được nguy cơ mất an toàn phòng cháy, tôi mở thêm lối thoát nạn, bố trí sắp xếp hàng hóa khoa học hơn, lắp đặt lại đường điện”.

Thị trấn Cao Thượng có 5 mô hình, mỗi nơi tập hợp từ 5 đến 11 thành viên. Công an thị trấn đã tham mưu với Đảng ủy, UBND thị trấn bố trí kinh phí hỗ trợ mua sắm dây điện, chuông báo; phối hợp với đội chuyên môn Công an huyện hướng dẫn, tập huấn cho tất cả hộ sản xuất kinh doanh về kỹ năng phòng ngừa, xử lý khi có cháy xảy ra. Huyện Tân Yên là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về việc hướng dẫn, thành lập và duy trì mô hình “Tổ liên gia PCCC”.

Đại úy Vi Văn Quỳnh, Công an huyện thông tin, đơn vị đã hướng dẫn thành lập 127 mô hình ở tất cả các xã, thị trấn, thường xuyên kiểm tra, đánh giá nguy cơ mất an toàn đối với hộ có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; tăng cường thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, zalo, facebook để hơn 49 nghìn hộ dân trên địa bàn nắm được kiến thức, kỹ năng. Đến nay, 100% hộ có nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh và 50% hộ dân được tham gia tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC.

Tại huyện Việt Yên, theo Trung tá Vũ Xuân Tuân, Phó trưởng Công an huyện thì một tiếng chuông báo không chỉ đơn thuần để báo động cháy, nổ xảy ra mà nó giúp các hộ thông tin về tình hình ANTT. Công an thị trấn Nếnh đã tham mưu xây dựng 4 mô hình, tổ liên gia và 16 điểm chữa cháy công cộng. Tổ dân phố My Điền hiện có hơn 20 hộ phần lớn kinh doanh nhà trọ với hàng trăm công nhân. Hệ thống chuông báo được lắp đặt kết nối tất cả các hộ. Sau khi được hướng dẫn, mỗi hộ hiểu rằng khi tiếng chuông báo động vang lên là có vụ việc mất ANTT, trộm cắp, cháy nổ, có người bị thương, bị nạn…

Mỗi gia đình 1 bình chữa cháy

Từ tháng 3/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm 4 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 3 tỷ đồng. Nguyên nhân do chủ hộ, thành viên gia đình chưa quan tâm, thiếu kiến thức, kỹ năng thoát nạn; không trang bị hoặc có trang bị nhưng chưa đầy đủ phương tiện PCCC. Nhiều hộ tự ý chuyển đổi công năng để ở sang hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến không bảo đảm điều kiện về an toàn.

Thành viên mô hình "Tổ liên gia bảo đảm ANTT và PCCC" tổ dân phố My Điền, thị trấn Nếnh (Việt Yên) chia sẻ về hiệu quả tiếng chuông báo động.

Thành viên mô hình “Tổ liên gia bảo đảm ANTT và PCCC” tổ dân phố My Điền, thị trấn Nếnh (Việt Yên) chia sẻ về hiệu quả tiếng chuông báo động.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn tổng kiểm tra, rà soát, lập danh sách, thống kê, đánh giá tình hình về nguy cơ cháy nổ. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 456.125 hộ nhà ở riêng lẻ; 33.077 hộ nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; 536 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) và Công an các huyện, TP tổ chức hơn 1 nghìn lớp tập huấn cho thành viên hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đạt 45% tổng số hộ. Hướng dẫn 1.969 hộ gia đình tạo lối thoát nạn thứ 2; vận động hơn 45,1 nghìn hộ trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn.

Hiện hơn 2 nghìn thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập đội PCCC dân phòng với tổng số hàng chục nghìn đội viên. Thành lập, duy trì hoạt động của 539 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 331 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.

Hiện hơn 2 nghìn thôn, tổ dân phố đã thành lập đội PCCC dân phòng với hàng chục nghìn đội viên. Thành lập, duy trì hoạt động 539 mô hình “Tổ liên gia” và 331 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, đều vượt chỉ tiêu được giao.

Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo: “Thời điểm vàng để chữa cháy hiệu quả là 3 -5 phút đầu khi phát sinh nguồn cháy. Mỗi gia đình nên tự trang bị từ 1 đến 2 bình chữa cháy bố trí ở nơi dễ quan sát, hướng dẫn các thành viên cách sử dụng đề phòng cháy nổ xảy ra”.

Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục xây dựng, nhân rộng và duy trì mô hình; tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với 100% tổ liên gia trên địa bàn. Phấn đấu đến ngày 31/12/2023 hoàn thành chỉ tiêu có ít nhất 1 người trong hộ được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Chỉ đạo Công an cấp huyện tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo UBND cấp xã duy trì hoạt động hiệu quả lực lượng dân phòng; phát động phong trào “Mỗi gia đình tự trang bị 1 bình chữa cháy”.

Nguồn: Bài, ảnh: Tuyết Mai – Ngọc Quyết (BÁO BẮC GIANG)