Kỹ năng thoát hiểm cho người ngồi trong ô tô khi bị cháy

Đăng bởi Tin tức

Trong những trường hợp khẩn cấp, hoặc xe ô tô bị cháy thì việc nắm được các kỹ năng thoát hiểm giúp người ngồi trong ô tô nhanh chóng ra khỏi chiếc xe đó và đảm bảo an toàn tính mạng.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy ô tô

Vào chiều ngày 29/8, tại ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển, 1 chiếc xe ô tô hiệu Subaru Forester đang lưu thông trên đường thì bất ngờ bốc cháy.

Hiện trường vụ cháy ô tô vào chiều 29/8. Ảnh: T.L

Ngay khi phát hiện xe bốc khói, người tài xế đã rời khỏi phương tiện và hô hoán người dân xung quanh hỗ trợ. Vì được phát hiện kịp thời cũng như nhận được sự giúp đỡ của người dân xung quanh nên đám cháy đã nhanh chóng được khống chế.

Khoảng 21h ngày 24/8, xe khách mang biển kiểm soát 43B-037.60 lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A đến đoạn qua khu vực cầu Hang, xã Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa thì bất ngờ bốc cháy.

Đang lưu thông trên quốc lộ 1A, chiếc xe khách bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ảnh: NDCC

Đang lưu thông trên quốc lộ 1A, chiếc xe khách bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ảnh: NDCC

Tài xế đã nhanh chóng cho xe vào lề đường và sơ tán 19 hành khách. Do ngọn lửa bốc cháy nhanh, bao trùm toàn bộ xe nên toàn bộ đồ đạc, hành lý của khách trên xe chưa kịp di chuyển. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Trước đó, vào 10h40 ngày 23/8, anh T.T.T. điều khiển ô tô mang BKS: 30T-9117, hướng Mỹ Đình về đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) để sửa chữa.

Tới ngã tư Nguyễn Trãi – Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) xe ô tô của anh T. chết máy. Sau đó, anh T. gọi người của xưởng sửa chữa đến để kích điện bằng bình ắc quy. Nhưng khi người này vừa kích điện thì xe xảy ra chập cháy, ngọn lửa bốc cao, bao trùm toàn bộ phương tiện.

Kỹ năng thoát hiểm khi ô tô bị cháy

Thiếu tá Nguyễn Danh Luân – Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, trong những trường hợp khẩn cấp, hoặc xe ô tô bị cháy thì việc nắm được các kỹ năng thoát hiểm giúp người ngồi trong ô tô nhanh chóng ra khỏi chiếc xe đó và đảm bảo an toàn tính mạng.

Cụ thể, khi phát hiện thấy có khói, nhiệt độ cao bất thường, mùi khét, người điều khiển xe cần bình tĩnh tắt khóa điện, đỗ, dựng xe ở lề đường xa nơi có nhiều người, nhiều chất dễ cháy. Nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu được trang bị trên xe để dập tắt đám cháy.

Trường hợp trong xe có khói, người ngồi trong xe nhanh chóng sử dụng khăn, vải ướt bịt mũi và miệng di chuyển hạ thấp trọng tâm cơ thể thoát ra ngoài.

Còn khi cửa bị kẹt không thể mở, ô cửa sổ trên xe để thoát ra bên ngoài, những người trong xe cần nhanh chóng sử dụng các vật dụng như búa phá kính, bình chữa cháy, giày cao gót… để phá kính ở cửa hoặc ô cửa sổ thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, lưu ý tránh việc đập kính trước bởi đây là kính chịu lực nên sẽ khó vỡ hơn kính ở cửa sổ bên, và điểm dễ vỡ nhất là mép cửa sổ.

Khi di chuyển thoát nạn từ trong ô tô không nên mang theo các vật dụng có kích thước lớn, cản trở lối di chuyển thoát nạn của các hành khách khác trên xe. Nếu có người bị nạn, nhanh chóng đưa người bị nạn ra ngoài bằng cách cõng, vác, bế nạn nhân.

Trong trường hợp có trẻ nhỏ cần nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn hoặc bế, cõng trẻ nhỏ di chuyển thoát nạn an toàn. Sau khi xuống xe, di chuyển ra xa khu vực dừng xe bởi xe có thể bất ngờ phát nổ và gây thương tích.

Dùng bình chữa cháy, cát, nước để chữa cháy, đồng thời hô hoán để mọi người đến trợ giúp, gọi báo ngay cho Cảnh sát phòng cháy chứa cháy theo số điện thoại 114 hoặc cho Công an, chính quyền địa phương,… nơi gần nhất để phối hợp chữa cháy.

Nguồn: Phúc Đức (Sức khỏe đời sống)