Hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4-10: Nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong phòng cháy, chữa cháy
Hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4-10) năm 2024, Báo Khánh Hòa có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang Đang – Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh.
– Xin Thượng tá cho biết những kết quả nổi bật trong phong trào toàn dân tham gia PCCC-CNCH thời gian qua?
– Thời gian qua, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đã quan tâm, chỉ đạo toàn đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC-CNCH tại địa bàn, cơ sở, khu dân cư, trường học, hộ gia đình. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, đơn vị đã tổ chức 45 buổi tuyên truyền trực quan về kiến thức, kỹ năng PCCC, 22 khóa tuyên truyền, trải nghiệm về PCCC-CNCH cho gần 14.000 người; mở 24 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC-CNCH cho 2.991 đội viên đội PCCC cơ sở; phối hợp xây dựng và đăng tải 4 phóng sự, 62 tin, bài tuyên truyền, khuyến cáo về PCCC-CNCH; xây dựng Trang Zalo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH để tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC cho cộng đồng và tư vấn, hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ cho công an cấp huyện, cấp xã, hiện trang thu hút hơn 35.000 lượt tài khoản theo dõi. Đồng thời, đơn vị thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn công an các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND địa phương nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn PCCC-CNCH tại khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và nhân rộng được 629 tổ liên gia an toàn PCCC, 354 điểm chữa cháy công cộng.
Hướng đến tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân PCCC 4-10 năm nay, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đã tuyên truyền, hướng dẫn 100% cơ sở thuộc diện quản lý theo phân công, phân cấp treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng, nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC của toàn dân. Đồng thời, giúp Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và CNCH dành cho lực lượng PCCC cơ sở trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tham gia hội thi có 63 đội tuyển đại diện cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hội thi là dịp đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC, công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và kỹ năng thoát hiểm cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động tại các học viện, nhà trường trên toàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 06, ngày 11-5-2022 về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC-CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
– Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thực thi Luật PCCC sửa đổi năm 2013 vẫn còn những hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Thượng tá nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
– Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật PCCC năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi và nghiên cứu bổ sung quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.
Thực tế hiện nay, các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thường xuyên thay đổi, phát sinh mới; một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở và trong phạm vi một cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức thuê, mua mặt bằng để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, về quy định cơ sở trong Luật PCCC cần được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, bao quát. Cùng với đó, cần rà soát sửa đổi các quy định của Luật PCCC để khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập, thống nhất với một số luật hiện hành có liên quan, bảo đảm tính khả thi; bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, rà soát, bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ đối với các loại hình nhà ở, nhà sử dụng để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, về sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa và các chất dễ cháy, nổ; quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong Luật PCCC cần rà soát điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính; rà soát quy định về PCCC rừng cho thống nhất với Luật Lâm nghiệp; Luật PCCC chưa phân định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thẩm định, thẩm tra về PCCC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Một số quy định của Luật PCCC không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần được sửa đổi như: Việc thực hiện yêu cầu khu dân cư phải có các quy định, nội quy về PCCC; bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù do hiện nay đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng trực tiếp…
– Thượng tá có những khuyến cáo gì đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân để công tác PCCC trên toàn tỉnh được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới?
– Để góp phần thực hiện tốt công tác PCCC-CNCH trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chuyên đề công tác PCCC-CNCH, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác PCCC-CNCH tại địa bàn, cơ sở, khu dân cư… Đồng thời, khuyến cáo đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh thường xuyên chủ động trong phòng ngừa cháy, nổ; tích cực tham gia các lớp tuyên truyền, huấn luyện kiến thức, kỹ năng về PCCC tại nơi làm việc, khu dân cư, tổ dân phố do lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH tổ chức; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, không để phát sinh cháy, nổ, ảnh hưởng đến môi trường sinh sống, nơi làm việc và hoạt động sản xuất, kinh doanh; có ý thức, chủ động trong PCCC-CNCH, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.