Giải pháp nào để giảm thiểu các vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh?

Đăng bởi Tin tức

Loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh đang ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ bởi phần lớn được thiết kế theo kiểu nhà ống, có diện tích nhỏ hẹp, lại chứa nhiều hàng hóa bên trong.

Hiện trường vụ cháy cửa hàng vừa ở vừa kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở huyện Hoài Đức, Hà Nội làm 3 người trong cùng gia đình tử vong. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Hiện trường vụ cháy cửa hàng vừa ở vừa kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở huyện Hoài Đức, Hà Nội làm 3 người trong cùng gia đình tử vong. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Khoảng 2 giờ ngày 19/7 đã xảy ra một vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện ở thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), làm 3 người tử vong gồm 2 vợ chồng và con gái.

Cửa hàng có diện tích hơn 100m2, cao 5m, được sử dụng vừa ở vừa kết hợp kinh doanh.

Ngày 8/7, một vụ cháy xảy ra tại căn nhà ở ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội làm 3 người thiệt mạng.

Đám cháy bắt đầu từ tầng 1 của căn nhà sau đó lan lên các tầng khác. Căn nhà bị cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dich vụ, nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60m2, kết cấu bêtông cốt thép.

Căn nhà có các lối thoát hiểm ở tầng 1, tầng 2 và tầng 6 nhưng bị chặn bởi song sắt, vật dụng và hàng hóa khiến các nạn nhân không thể thoát ra được.

Trước đó, ngày 22/6, tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cháy một nhà ở kết hợp kinh doanh khiến 3 người tử vong.

Ngày 10/6, một nhà ở kết hợp kinh doanh ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã bị cháy lúc nửa đêm. 6 người được giải cứu nhưng vụ cháy đã khiến 3 ông cháu tử vong.

3h ngày 31/5, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một nhà ở kết hợp kinh doanh văn phòng phẩm ở tỉnh Quảng Nam. Tầng 2 của ngôi nhà có 2 lối thoát hiểm nhưng 2 vợ chồng chủ nhà đã tử vong trước khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.

Chỉ trong 3 tháng trở lại đây, hàng chục vụ cháy nhà dân đã xảy ra trên cả nước gây hậu quả lớn về người, thậm chí nhiều người trong cùng một gia đình tử vong, đặc biệt là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê mới nhất, hiện toàn quốc có gần 24,5 triệu nhà ở riêng lẻ, trong đó có hơn 1,1 triệu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Chỉ trong 1 năm qua, cả nước tăng thêm hơn 300.000 nhà ở riêng lẻ. Nhà ở kết hợp kinh doanh tăng thêm khoảng 24.000 công trình.

Con số này phần nào lý giải cho việc tại sao gần đây xảy ra quá nhiều vụ cháy liên quan tới loại hình công trình này.

Tiềm ẩn nguy cơ cao cháy nổ

Loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh đang ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng ở các khu dân cư. Đây cũng là loại hình nhà ở tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ bởi phần lớn được thiết kế theo kiểu nhà ống, có diện tích nhỏ hẹp, lại chứa nhiều hàng bên trong.

Đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các khu dân cư đông người, xung quanh các chợ, tuyến phố và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vàng mã…

Nhà xây dựng hình ống liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, không có hệ thống thoát khói. Trong khi, phần lớn diện tích trong nhà ưu tiên cho kinh doanh và sinh hoạt nên lối đi lại chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, phần lớn các chủ hộ rất ít quan tâm đến công tác phòng, cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; không trang bị hoặc trang bị thiếu các thiết bị chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; vi phạm các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, các thiết bị điện kém chất lượng; các hộ kinh doanh bố trí bếp nấu ăn, nơi thờ cúng gần khu vực chứa hàng hóa, trong khi đây đều là những mặt hàng dễ cháy, nổ.

Lực lượng chức năng phải phá cửa để đưa vòi nước vào trong nhà dập lửa trong vụ hỏa hoạn ở ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Lực lượng chức năng phải phá cửa để đưa vòi nước vào trong nhà dập lửa trong vụ hỏa hoạn ở ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhiều hộ kinh doanh còn tự ý, lén lút kinh doanh cả hóa chất, gas và đồng thời cơi nới, cải tạo, công trình sai với quy định khiến công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi sự cố xảy ra gặp nhiều khó khăn.

Nguy hiểm hơn, nhiều hộ còn thiết kế thêm các lồng sắt, khung nhôm kính che kín ban công để chống trộm hoặc lắp đặt biển quảng cáo có kích thước lớn khiến công tác tiếp cận để chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Khuyến cáo về phòng cháy chữa cháy

Vụ cháy xảy ra ngày 17/5 tại một hộ dân ở ngõ 125 phố Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội là một ví dụ cho thấy khi có kỹ năng xử lý, người dân hoàn toàn có thể thoát nạn một cách an toàn khi cháy xảy ra.

5h sáng, gia đình phát hiện có cháy, lửa nhanh chóng bùng to. Không thể di chuyển xuống dưới tầng 1, năm thành viên của gia đình trèo qua lối ban công, bình tĩnh thoát nạn sang nhà kế bên.

Rất may công trình này cũng không cơi nới, lắp đặt chuồng cọp, việc thoát nạn bởi vậy cũng dễ dàng hơn.

Theo khuyến cáo của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chủ hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngôi nhà cần tổ chức thực hiện những nội dung sau:

1. Các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy

a) Chủ hộ gia đình cần chủ động tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy; đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và nắm vững kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.

b) Bố trí mặt bằng, sắp xếp vật dụng, hàng hóa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy

– Đối với nhà ở gia đình, nhà dạng ống, nhà liên kế, chia lô: Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, lô gia của nhà; tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí để chìa khóa trong nhà.

Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa dễ cháy, nổ trong ngôi nhà (xăng, dầu, hóa chất dễ cháy, nổ…).

– Sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) tối thiểu 0,5m.

– Không tích trữ, chứa xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà

– Ôtô, mô tô, xe gắn máy, máy phát điện và phương tiện khác có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cần để cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt.

c) Quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn như khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt…(gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi. Tại nơi đun nấu, không nên để hàng hóa, chất dễ cháy gần nơi đun nấu.

d) Lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị điện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà; khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện, cần tính toán tránh gây quá tải; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.

e) Chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra

– Đối với nhà có 01 lối thoát nạn, cần hướng dẫn bố trí thêm phương án thoát nạn thứ hai (có thể là cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt hoặc thang dây, dây thả chậm đặt tại ban công, lô gia, sân thượng; lối sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp).

– Đối với lối đi, lối thoát nạn, cần lưu ý giải pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy:

+ Không để phương tiện, hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt trên hành lang, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn của nhà; không để các thiết bị, vật dụng nhô ra khỏi mặt tường ở độ cao dưới 2m;

+ Cầu thang bộ thoát nạn trong nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; hạn chế cầu thang xoắn ốc;

+ Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng…) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.

+ Đối với nhà ở có ban công, lô gia hoặc cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy, nổ. Việc lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà cần bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

+ Đối với tầng mái (sân thượng), nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoát nạn sang nhà liền kề.

g) Chủ động đầu tư lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như đầu báo cháy tự động, camera; trang bị, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; trang bị dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực…), đèn pin, mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói… để mở cửa và thoát nạn. Quy định rõ vị trí đặt phương tiện này, bảo đảm yêu cầu dễ thấy, dễ lấy và gần lối thoát nạn.

Hướng dẫn thoát nạn khi có cháy

– Thành viên hộ gia đình cần nắm rõ lối ra thoát nạn tại tầng 1, lối ra khẩn cấp (lối ra thứ 2), vị trí để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà; tại khu vực sản xuất, kinh doanh, cần phổ biến cho người lao động, sinh sống trong nhà về nội quy, biện pháp thoát nạn, nhận biết chỉ dẫn thoát nạn (biển chỉ dẫn hay đèn chỉ dẫn thoát nạn), sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời thoát nạn, cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra hãy:

– Bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn hoặc qua lối lên mái, ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây, đồng thời báo ngay cho Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số điện thoại 114.

– Trong quá trình di chuyển qua đám cháy nên dùng khăn thấm ướt che kín miệng, mũi và cúi thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến nơi an toàn.

– Trường hợp cửa chính bị lửa bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát nạn khác (lối thoát nạn thứ 2) qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây hoặc bố trí lối thoát lên mái nếu mái nhà có kết cấu bằng các tấm lợp; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Trường hợp, không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy nhanh nhất có thể.

– Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát từ gian phòng ra ngoài theo lối cầu thang bộ, cửa chính; nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính để chèn, dán kín vào khe cửa để ngăn khói, khí độc vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công để báo hiệu cho lực lượng phòng cháy chữa cháy hỗ trợ biết, cứu kịp thời./.

Nguồn: (Vietnam+)