Doanh nghiệp kêu bế tắc vì quy định phòng cháy chữa cháy
Hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng quy định cứng nhắc về phòng cháy chữa cháy khiến họ không xây, sử dụng được nhà xưởng hoặc thậm chí phải đóng cửa.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong một số lĩnh vực cần phải được cấp chứng nhận nghiệm thu liên quan công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nếu không đáp ứng, theo quy định, họ phải ngừng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, họ đang đối diện nguy cơ bị đình chỉ, đóng cửa, do quy định “bị siết đột ngột và cứng nhắc”.
Sau vụ cháy ở Bình Dương hồi tháng 9/2022, quy định về an toàn phòng cháy được siết chặt hơn. Theo Nghị định 136 có hiệu lực từ đầu năm 2021 và các Thông tư hướng dẫn ban hành rải rác đầu năm 2022, danh mục dự án công trình phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC của doanh nghiệp cũng tăng hơn trước.
Đại diện một hiệp hội tại Đồng Nai – tỉnh có 30 khu công nghiệp với 1,2 triệu lao động, thuộc nhóm đông nhất cả nước – cho biết gần như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở tỉnh đều bị ảnh hưởng.
Chi hội này thông tin, có công ty nộp hồ sơ thiết kế 7 tháng nhưng không được bên PCCC phê duyệt bản vẽ, cũng không có văn bản phản hồi. “Chúng tôi không biết tại sao không được chấp thuận”, doanh nghiệp này nói và khẳng định đây không phải trường hợp cá biệt. Điều này khiến họ không xây mới được nhà xưởng, ảnh hưởng đến việc làm ăn.
Một doanh nghiệp giấu tên khác ở Đồng Nai nói, kho hàng, văn phòng mới gần một năm nay không sử dụng được cũng vì khâu thẩm duyệt. Năm ngoái, để mở rộng kinh doanh, họ đã xây thêm kho hàng 3 tầng và văn phòng mới. Phần PCCC đã được duyệt, thi công xong và lắp đặt đầy đủ trang thiết bị theo yêu cầu nhưng không được nghiệm thu do không kiểm định được sơn chống cháy cho kèo thép ở khu vực kho tầng 3.
“Chỉ vì vướng kiểm định sơn mà việc này do cơ quan nhà nước thực hiện, các khu vực còn lại của kho chứa hàng cùng cả văn phòng xây mới đều không thể hoạt động. Chúng tôi mong nghiệm thu các khu vực khác trước, đồng thời đề nghị có hướng dẫn rõ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy”, doanh nghiệp này nói.
Công ty Hyosung Việt Nam – một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lớn vào Đồng Nai – cho biết từ cuối năm 2022, việc xin thẩm duyệt giấy phép rất khó khăn, mất nhiều thời gian. “Trước đây việc này do tỉnh thực hiện nhưng từ cuối năm ngoái đã chuyển ra Cục Cảnh sát PCCC ở Hà Nội. Bên cạnh đó, thời gian cũng chưa được xác định nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn với các thủ tục tiếp theo cho dự án mở rộng sản xuất”, đại diện doanh nghiệp giải thích.
Một doanh nghiệp lớn khác là Foxconn cũng than thở, nhiều đơn vị của họ mất 2 năm nay vẫn chưa được nghiệm thu PCCC. “Chúng tôi có nhiều kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong 2 năm nên thủ tục như vậy sẽ khiến việc mở rộng gặp nhiều khó khăn”, đại diện Foxconn nói trong một cuộc gặp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư gần đây, dù chủ điểm chính của cuộc gặp là về thuế. Foxconn là nhà cung ứng lớn cho Apple, đang đầu tư nhà máy tại các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trước đó, đầu năm, hàng trăm chủ quán karaoke tại Hà Nội và TP HCM cũng kêu cứu vì phải đóng cửa do không đáp ứng được tiêu chuẩn PCCC, dù trước đó đã được kết luận đủ điều kiện.
Cuối năm ngoái, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM (JCCH) gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Công an Tô Lâm do 18 dự án, tổng trị giá gần 3.100 tỷ đồng bị ảnh hưởng vì những tiêu chuẩn mới của Nghị định 136.
Ví dụ, các cơ sở như nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa bảo dưỡng xe dưới 500 m2 cũng phải thông báo về đảm bảo an toàn PCCC với cơ quan chức năng; phải được thẩm duyệt thiết kế. Vì vậy, khi kiểm tra, một số lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị buộc phải dừng hoạt động để khắc phục. Thêm vào đó, theo quy định mới, các công trình có hạng mục cải tạo, sửa chữa dù nhỏ vẫn phải xin cấp giấy phép thẩm duyệt thiết kế.
Ngoài ra, việc chỉ trong 18 tháng có 3 thông tư (của Bộ Xây dựng và Bộ Công an) liên quan được bổ sung, thay thế, khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư theo phương án cũ, lại thẩm định theo phương án mới, mà không có hướng dẫn chuyển tiếp nên không chỉ họ mà cả cơ quan thẩm tra cũng bị mắc.
Ủng hộ quan điểm làm chặt về an toàn PCCC nhưng các doanh nghiệp cho rằng quy trình thực hiện cần thực tế, có thăm dò doanh nghiệp để tạo tiếng nói chung giữa hai bên. “Tình hình kinh tế đang rất căng thẳng nên nếu siết không có lộ trình, đồng loạt thì doanh nghiệp sẽ đuối sức”, một doanh nghiệp tại Đồng Nai chia sẻ.
Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đánh giá công tác kiểm tra, xử lý của công an là đúng quy định song cần trên tinh thần “chia sẻ” thay vì chỉ làm “máy móc, nhăm nhăm xử phạt”.
Ông phân tích, nếu cứ áp tiêu chí mới thì 99% doanh nghiệp, chưa kể hàng nghìn cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện… không đáp ứng được. Do đó, chỉ những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mới đình chỉ hoạt động, còn lại cần có lộ trình để khắc phục dần.
Một số tiêu chuẩn, dù cũ hay mới, theo cộng đồng doanh nghiệp, không thực tế, khó thực hiện.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) lấy ví dụ, quy định về “Kết cấu chịu lực được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy” của Bộ Công an áp dụng theo tiêu chuẩn của Anh. Tức các cột thép nhà xưởng phải bọc vật liệu chống cháy bằng vật liệu rỗng hoặc toàn bộ kết cấu thép phải sơn bằng loại sơn chống cháy, có chi phí cao. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam chưa có loại sơn nào được cấp phép đủ điều kiện. Điều này dẫn đến hệ quả không nghiệm thu được công trình mới.
Quy định kiểm định vật phẩm chống cháy cũng rất phức tạp, trong khi đó, chỉ có 2 đơn vị tại Hà Nội là Đại học PCCC (Bộ Công an) và Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) được cấp phép kiểm định nên các doanh nghiệp phía nam phải gửi mẫu phẩm ra Hà Nội để kiểm định, gây mất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
“Nhiều nhà đầu tư phản ánh chi phí tuân thủ PCCC sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong môi trường đầu tư của Việt Nam theo đánh giá của quốc tế”, Ban IV đánh giá. Thậm chí, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi trong ngành logistics phản ánh “chi phí đầu tư cho PCCC” chuyển thành chi phí “chạy thủ tục cấp phép”, gây ảnh hưởng đến an toàn của người lao động và doanh nghiệp.
Không chỉ quy định mới, nhiều quy định cũ doanh nghiệp cũng chia sẻ không đáp ứng được. Đơn cử yêu cầu về khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn PCCC tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TP HCM, doanh nghiệp nói sẽ rất chật vật để đáp ứng.
Trước những vấn đề này, các hiệp hội, doanh nghiệp đều mong được gỡ bỏ, sửa đổi những quy định chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ, cơ quan chức năng cần giới hạn quy định bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép với các công trình đặc thù như quốc phòng, hóa chất hay sản xuất các vật liệu có nhiệt độ nóng chảy cao hơn thép. Các nhà máy, công trình thông thường được áp dụng các quy định phù hợp hơn.
Ngoài ra, họ cho rằng cần phân loại các công trình theo chức năng để có các quy định phù hợp. Trong thực tế, các vụ cháy ở nhà máy, cơ sở sản xuất không nhiều và gây thiệt hại không đáng kể. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, quy định tiêu chuẩn, chất lượng ngay từ khâu thiết kế, phê duyệt, đến nghiệm thu để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.