Đảm bảo an toàn PCCC trên các tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn

Đăng bởi Tin tức
Trong đợt cao điểm du lịch hè 2023, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Quảng Ngãi tăng cường phối hợp Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Sa Kỳ tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và CNCH các phương tiện giao thông cơ giới đường thủy vận chuyển hành khách tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện trách nhiệm công tác PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ phương tiện; hồ sơ quản lý theo dõi, hoạt động về PCCC và CNCH của phương tiện; điều kiện an toàn PCCC đối với phương tiện cơ giới đường thủy theo các quy định của pháp luật.
Đảm bảo an toàn PCCC trên các tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn -0
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn thuyền viên sử dụng bình chữa cháy xách tay.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trên các phương tiện cơ giới đường thủy vận chuyển hành khách luôn tồn tại nhiều vật liệu, hàng hóa, thiết bị có nguy hiểm cháy nổ cao, như nhiên liệu (dầu diezel, xăng) để vận hành động cơ, dầu mỡ bôi trơn, hóa chất, các thiết bị tiêu thụ điện, vật liệu trang trí, ghế nệm ngồi, rèm vải, cao su, xốp… Việc bảo đảm an toàn PCCC là yếu tố hết sức quan trọng cho người và phương tiện. Trước khi đưa vào hoạt động, các phương tiện cơ giới đường thủy vận chuyển hành khách phải được thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về an toàn PCCC.

 “Nếu như không làm tốt công tác PCCC thì khi xảy ra hỏa hoạn sẽ gây thiệt hại rất lớn, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hành khách, có nguy cơ thiệt hại về người. Với tinh thần, trách nhiệm, các cơ quan liên quan cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra an toàn PCCC phương tiện thủy nội địa nói chung và các phương tiện chở hành khách để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện”, ông Trần Quang Trung, Trưởng phòng Thanh tra – An toàn, an ninh hàng hải (Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi) cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Sĩ, thuyền trưởng tàu Phú Quốc Express cho biết, nhiệm vụ của mỗi thuyền viên trên tàu đã niêm yết cụ thể, theo các chức danh trên tàu, các cá nhân được phân công nhiệm vụ xử lý trong tình huống xảy ra cháy, nhiệm vụ khi có người rơi xuống nước, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCC, cứu sinh trên tàu để kịp thời ứng cứu khi có tình huống đột xuất xảy ra.

“Qua kiểm tra thực tế, các chủ phương tiện và thuyền viên đã tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC. Trên tàu đã bố trí các biển cấm, cảnh báo, nội quy, tiêu lệnh về PCCC, thoát nạn, sắp xếp phương tiện, hàng hóa gọn gàng, trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, phao cứu sinh cho hành khách và thuyền viên, các phương án chữa cháy, CNCH… Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: việc kiểm tra phương tiện chữa cháy định kỳ chưa ghi nhật ký đầy đủ, một số vòi chữa cháy được trang bị trên tàu lâu ngày đã hư hỏng nhưng chưa thay thế, một số thuyền viên chưa nắm vững các thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy”, Đại úy Nguyễn Thanh Thủy, Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết.

Hiện nay, trên tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại có 5 đơn vị vận tải hành khách với 7 tàu đang hoạt động, vận chuyển hàng nghìn lượt khách du lịch di chuyển từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn và ngược lại.

Để bảo đảm an toàn PCCC&CNCH cho các phương tiện cơ giới đường thủy vận chuyển hành khách trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị các chủ phương tiện cần khẩn trương khắc phục những tồn tại thiếu sót về PCCC&CNCH sau kiểm tra. Tăng cường ý thức, kỹ năng PCCC cho các thuyền viên, cử thuyền viên tham gia huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, duy trì hoạt động các phương tiện chữa cháy, cứu sinh, thoát hiểm trên tàu để bảo đảm sử dụng các thiết bị PCCC an toàn và hiệu quả. Tổ chức thực tập các phương án chữa cháy, phương án CNCH cho thuyền viên và hành khách; kiểm tra, kịp thời sửa chữa, thay thế hệ thống dây dẫn, thiết bị tiêu thụ điện trên tàu.

Nguồn: Tài Đức (Báo Công an nhân dân)