Chữa cháy, cần huy động tối đa nguồn lực tại chỗ
Một cán bộ PCCC Công an TP Hồ Chí Minh nhận xét, cứ vài năm ở Việt Nam lại xảy ra vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Nó lặp lại như là một chu kỳ, không phải là chu kỳ trong tâm linh mà là chu kỳ của sự lơ là. Từ thực tiễn cho thấy, khi xảy ra thảm kịch từ cháy thì chính quyền các địa phương mới giật mình nhìn lại, ra quân tổng kiểm tra, xử phạt, buộc khắc phục sai phạm và làm rất quyết liệt.
Nhờ đó các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng thưa dần và đến một thời điểm nhất định thì bắt đầu xuất hiện sự chủ quan, lơ là của chính quyền địa phương và cả người dân, doanh nghiệp… cho đến khi xảy ra sự cố gây hậu quả lớn.
Tập huấn kỹ năng chữa cháy cho người dân ở Bình Dương.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 881 vụ cháy làm chết 45 người, bị thương 43 người, tài sản thiệt hại ước tính hơn 87 tỷ đồng; đã điều tra làm rõ 455/881 vụ cháy, trong đó do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm đến 299 vụ; kế đến là do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 79 vụ…
Như vậy, nguyên nhân gây cháy dù nó xuất phát từ sự cố nào cũng đều bắt nguồn từ yếu tố con người. Đó là sự bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày, sự lơ là trong PCCC và sự buông lỏng trong quản lý nhà nước… Còn hậu quả của những vụ cháy, từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội khiến 56 người tử vong, xa hơn là các vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế ITC (quận 1, TP Hồ Chí Minh) khiến 60 người tử vong vào năm 2002; vụ cháy chung cư Carina vào ngày 23/3/2018 làm 13 người chết; vụ cháy quán karaoke An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) vào ngày 6/9/2022 làm chết 32 người…cho thấy hậu quả có thảm khốc hay không, quyết định ở lối thoát nạn, thoát hiểm.
Thực tế cho thấy, các vụ cháy gây chết nhiều người phần lớn xảy ra ở các chung cư, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp kinh doanh trong các khu đô thị vì lối thoát nạn, thoát hiểm không được đảm bảo. Còn các vụ cháy lớn ở các doanh nghiệp, nhà xưởng… chủ yếu thiệt hại về tài sản, ít khi gây hậu quả chết người. Vì các nhà xưởng thường thông thoáng tứ phía, lối thoát nạn, thoát hiểm rộng rãi nên công nhân, người lao động dễ dàng thoát ra bên ngoài an toàn.
Để hạn chế các vụ cháy thì ý thức của con người là quyết định tất cả. Do vậy mà công tác tuyên truyền, tập huấn an toàn về PCCC luôn được Công an các tỉnh, thành đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, có nơi, có chỗ, chính quyền địa phương nói chung và cơ quan quản lý nhà nước về PCCC nói riêng còn chủ quan, lơ là; tuyên truyền chưa thiết thực, chưa đi vào chiều sâu để ý thức của người dân trở thành thói quen. Còn để hạn chế hậu quả từ các vụ cháy gây ra nó đòi hỏi trước nhất ở công tác quản lý xây dựng các công trình, nhà ở. Bởi thực trạng xây dựng trái phép, sai phép, cơi nới thêm tầng, xây bít lối thoát hiểm… xảy ra rất nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Do “tấc đất tấc vàng” nên rất nhiều người dân đã tận dụng tối đa khoảng trống, khoảng không để làm nhà ở. Để chống trộm, họ bao bọc căn nhà bằng hàng rào sắt để rồi khi cháy đã không còn lối thoát nào…Với những sai phạm như vậy cùng với sự ngó lơ của người có trách nhiệm trong quản lý xây dựng đã tạo thành những nguy cơ chết người len lỏi trong các khu dân cư và chỉ cần một sự bất cẩn đã trở thành thảm kịch…
Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Dương cho biết, có hơn 62% số vụ cháy ở Bình Dương được lực lượng PCCC tại chỗ và quần chúng nhân dân dập tắt kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Bởi 5 phút đầu kể từ thời điểm đám cháy phát sinh là thời gian vàng, có ý nghĩa quyết định về khả năng phát triển của đám cháy cũng như mức độ thiệt hại do cháy gây ra. Vì thế, việc huy động tối đa lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy là công tác mà đơn vị luôn đặt lên hàng đầu. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, dù cự ly có gần đến mấy cũng khó có thể nào có mặt trong thời điểm vàng từ khi xảy ra vụ cháy.
Điển hình là vụ cháy chung cư Bcons Suối Tiên (khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương) xảy ra vào khoảng 17h54 ngày 4/6/2023. Tại tầng 6 của chung cư bất ngờ bốc cháy ở khu vực lan can của căn hộ A.06.05-Block A. Khi hệ thống báo cháy hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ đã thông tin với nhau bằng bộ đàm và ngay lập tức tiếp cận căn hộ nhưng lúc này cửa bị khóa, không có người bên trong. Không chần chừ, 5 thành viên của Đội PCCC và cán bộ Ban quản lý chung cư là các anh Lê Đình Anh, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Văn Long, Võ Văn Thức và Nguyễn Văn Hậu đã dùng búa, xà beng, kìm cộng lực… để phá khóa cửa; sử dụng 4 bình chữa cháy xách tay được trang bị tại cơ sở để chữa cháy và đã nhanh chóng dập tắt được đám cháy.
Ông Trần Minh Huân, Trưởng ban quản lý chung cư Bcons Suối Tiên cho biết, để ngăn chặn được các đám cháy mới manh nha, Ban quản lý chung cư và toàn thể cư dân luôn nâng cao cảnh giác, cố gắng tối đa để làm tốt công tác PCCC. Thời gian qua, Ban quản lý chung cư đã ký hợp đồng với đơn vị có chuyên môn để thực hiện định kỳ việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị hư hỏng của hệ thống PCCC theo quy định; lên phương án tự diễn tập PCCC và CNCH với sự tham gia của toàn thể cư dân, ít nhất 3 tháng/lần; tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức, ý thức PCCC với toàn bộ cư dân, khách thuê, cán bộ, nhân viên…sống và làm việc tại chung cư. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát PCCC khu vực để thực hiện đúng, đủ các quy định về PCCC hiện hành…Từ đó, cư dân sẽ có ý thức tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn cháy, nổ và cấp báo ngay với Ban quản lý khi phát hiện ra nguy cơ mất an toàn về PCCC để xử lý kịp thời…
Toàn tỉnh Bình Dương hiện đã thành lập được 587/587 đội dân phòng (đạt 100%), với tổng số hơn 6.000 đội viên. 31 đội PCCC chuyên ngành, được trang bị 18 xe chữa cháy, 22 xe bồn tiếp nước với 752 đội viên; đồng thời hướng dẫn xây dựng được 6.805 đội PCCC cơ sở, có 87.693 đội viên. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với cháy, nổ và các sự cố tai nạn”. Theo đó, phấn đấu có ít nhất 1 người trong hộ gia đình được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PCCC và CNCH; vận động mỗi gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ (kìm cộng lực, xà beng, búa) và mở lối thoát hiểm thứ 2. Những quy định này cốt là để phát huy, huy động tối ta nguồn lực chữa cháy tại chỗ.