Bổ sung chế độ, chính sách cho CBCS trực tiếp thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Đăng bởi Tin tức

Sáng 28/8, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6 thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật PCCC&CNCH. Trình bày Báo cáo Một số vấn đề lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến đề nghị tách bạch PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã phối hợp Cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, gồm: Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.

Bổ sung chế độ, chính sách cho CBCS trực tiếp thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại hội nghị.

Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm quản lý liên quan đến điều kiện an toàn PCCC đối với các thiết bị điện, điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ; trách nhiệm của ngành điện lực từ sau công tơ đến các thiết bị điện; trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế đối với khách hàng có hồ sơ thiết kế về hệ thống điện bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu về an toàn điện.

Thường trực UBQPAN xin báo cáo như sau: Luật Điện lực hiện hành đã quy định cụ thể, bao quát các yêu cầu về an toàn (cả yêu cầu an toàn về PCCC) trong việc sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán, sử dụng, trang thiết bị điện. Luật này quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cơ bản trong việc lắp đặt, sử dụng điện là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.

“Thường trực UBQPAN đã phối hợp Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý bao quát các quy định về bảo đảm an toàn PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, cho sản xuất để bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành; bổ sung quy định giao cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn sử dụng điện theo quy định của pháp luật về điện lực (tại Điều 22)”, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho hay.

Bổ sung chế độ, chính sách cho CBCS trực tiếp thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

Về nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt PCCC&CNCH (Chương VII), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; bổ sung các chính sách cụ thể ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong nước; kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã phối hợp Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tại Điều 4, Điều 42, Điều 51, Điều 52 và Điều 53.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ chế độ, chính sách của người vừa là thành viên Tổ bảo vệ ANTT, vừa là thành viên Đội dân phòng; chế độ, chính sách của thành viên Đội dân phòng là người tình nguyện tham gia hoạt động PCCC, CNCH. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể việc quan tâm hỗ trợ, bồi dưỡng lực lượng tham gia PCCC tự nguyện.

Bổ sung chế độ, chính sách cho CBCS trực tiếp thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ -0
Quang cảnh hội nghị.

“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã phối hợp Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chế độ cho người được huy động, tham gia chữa cháy, CNCH tại Điều 47, trong đó đã bao gồm chế độ, chính sách cho cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện PCCC, CNCH; còn về chế độ, chính sách của người vừa là thành viên Tổ bảo vệ ANTT, vừa là thành viên Đội dân phòng đã được quy định tại pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nên không nhất thiết phải quy định lại trong dự thảo luật này”, Chủ nhiệm UBQPAN thông tin.

Về ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường nguồn lực trong công tác PCCC&CNCH, quan tâm hơn nữa về chính sách cho đội ngũ, lực lượng trực tiếp làm công tác PCCC&CNCH; đề nghị quy định Nhà nước bố trí nguồn ngân sách riêng cho việc mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị PCCC hàng năm, Thường trực UBQPAN đã phối hợp Cơ quan soạn thảo chỉnh lý quy định chi cho các nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC&CNCH tại Điều 51; bổ sung chế độ, chính sách cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trực tiếp thực hiện các hoạt động chữa cháy, CNCH và giao Chính phủ quy định chi tiết tại Điều 48.

Khoản 2, Điều 48 dự thảo luật quy định: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH được hưởng chế độ, chính sách sau đây:

a) Chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về CAND;

b) Chế độ bồi dưỡng khi thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC,CNCH; thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH; khi chữa cháy, CNCH;

c) Chế độ dinh dưỡng đặc thù khi huấn luyện, thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH và trực tiếp chữa cháy, CNCH;

d) Chế độ theo danh mục ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật;

đ) Sĩ quan, hạ sĩ quan điều khiển, vận hành phương tiện chữa cháy, CNCH được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ theo pháp luật về CAND.

Khoản 3 quy định, Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

Nguồn: Quỳnh Vinh – Vũ Linh (Báo Công An Nhân Dân)