Anh vẫn lặng thầm lao vào biển lửa
(vhds.baothanhhoa.vn) – Nhà cháy, gia chủ tìm cách thoát thân, còn người lính cứu hỏa lao nhanh vào giữa ngùn ngụt biển lửa. Mỗi lần tham gia chiến đấu với “giặc lửa” là chừng ấy lần phải chạm mặt với “tử thần”, nhưng hễ có tin báo cháy, có lệnh của chỉ huy, họ đều khẩn trương lên đường nhận nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ của Đội CC&CNCH Khu vực 1 chuẩn bị vào dập đám cháy trong vụ hỏa hoạn xảy ra trên đường Lê Hồng Phong (TP Thanh Hóa). Ảnh: Cao Hường
Tính mạng nương theo làn khói đen
Giữa trời nắng hầm hập không chút gió, bộ đồ bảo hộ dày cộp mặc trên người đã ướt đẫm mồ hôi, nhưng chiến sĩ Lục Văn Tình vẫn cùng với cán bộ, chiến sĩ ở Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (CC&CNCH) Khu vực 1, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn miệt mài tập luyện theo tình huống cháy giả định. Đang đu người trên dây, được gọi tên, Tình nhanh như một con sóc nhảy xuống đất, lau vội mồ hôi rồi chạy về phía chỉ huy.
Tình sinh năm 1994, quê ở xã Thiết Kế (Bá Thước) là người dân tộc Mường, làm lính cứu hỏa đã được 16 tháng. Anh không nhớ rõ đã tham gia chiến đấu với “giặc lửa” bao nhiêu lần, chỉ biết rằng, mình và đồng đội luôn trực sẵn sàng 24/24, khi tiếng kẻng báo cháy của đơn vị vang lên thì phải mau lẹ, khẩn trương lên đường đến đám cháy. “Có lúc nửa đêm, mọi người đang say giấc, tiếng kẻng báo cháy vang lên, ai nấy đều tung người bật dậy, trong vòng 60 giây đã phải chuẩn bị xong quân trang, tập hợp trước đầu xe cứu hỏa chờ chỉ huy giao nhiệm vụ. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi chờ được giao nhiệm vụ nhưng ai cũng hồi hộp, nghe tên mình vang lên thì cảm giác sung sướng và hạnh phúc thật khó nói thành lời”, Tình kể.
Tình chia sẻ về một kỷ niệm, đó là lần được tham gia dập lửa gần đây nhất, sáng 5-7-2022, vụ cháy xảy ra tại nhà dân kinh doanh đồ điện trên đường Lê Hồng Phong (TP Thanh Hóa). Anh được chọn giao nhiệm vụ làm chiến sĩ số 1, cầm lăng vòi trực tiếp chiến đấu. “Đám cháy được dập tắt nhanh chóng, có đồng đội bị thương, còn em bị bỏng nhẹ. Nhưng em vui hơn vì trực tiếp giúp đỡ đưa 2 nạn nhân ra khỏi đám cháy an toàn”.
Như một thói quen, cứ sau một lần tham gia cứu hỏa cùng đồng đội trực tiếp đương đầu với hiểm nguy để cứu người, cứu tài sản, Tình lại gọi điện về nhà chia sẻ với bố mẹ. “Em muốn chia sẻ về niềm vui trong nghề, để bố mẹ yên tâm. Bố mẹ vẫn thường nghĩ cứu hỏa là công việc nguy hiểm đến tính mạng, nên lo lắng cho em. Còn em thì thấy rất tự hào với nghề”.
Trên sân huấn luyện của Đội CC&CNCH Khu vực 1, tôi được nghe và hiểu thêm về nhiệm vụ lặng thầm và những hiểm nguy mà những người lính cứu hỏa vẫn phải thường xuyên đối mặt, đương đầu. Giữa đám cháy ngùn ngụt, nhiệt độ lên đến cả nghìn độ, hơi nóng, khí độc tràn ra, bó mình trong bộ đồ bảo hộ và phải mang bên mình những phương tiện chuyên dụng họ nhanh chóng lao vào biển lửa như không hề hấn gì. Trong môi trường ấy nguy hiểm không chỉ đến từ nhiệt độ cao, khí độc bốc ra từ vật liệu cháy mà còn là cấu kiện xây dựng bị sập, rơi xuống, như trần thạch cao, xà gỗ, dầm bê tông, hồ… Bên trong đám cháy, người lính không chỉ phải dùng sức lực, còn phải tinh thông nghiệp vụ, quan sát, phân tích tình hình để khẩn trương hành động, vì phía trước là tài sản và tính mạng Nhân dân. Nhưng rồi tai nạn vẫn cứ ập xuống họ. Như lần tham gia chữa cháy tại Trung tâm bảo hành sản phẩm Sam Sung trên đường Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) vào năm 2019, Trung úy Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1991, trú tại phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) bị gẫy xương đòn và 5 xương sườn do cấu kiện xây dựng rơi sập. Sau vụ hỏa hoạn, anh bị suy giảm khả năng lao động tới 35%…
Nhân lên những hành động đẹp
Với người lính cứu hỏa, sau mỗi một đám cháy được dập tắt và cứu được nạn nhân họ mới thở phào nhẹ nhõm, nhưng do nhiều nguyên nhân, hỏa hoạn vẫn luôn diễn ra. Đến nay đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng Trung úy Văn Tiến Cường vẫn chưa thể quên những giờ phút nặng nề, căng thẳng khi cùng đồng đội lao vào đám cháy xảy ra tại Tòa nhà Dầu khí trên Đại lộ Lê Lợi (TP Thanh Hóa) vào tối ngày 16-1-2020. Hôm đó đã vào cận Tết Nguyên đán Canh Tý, Trung úy Cường đang nghỉ phép, nhưng được lãnh đạo điều động tham gia chữa cháy, anh tức tốc trở lại đơn vị, trực tiếp điều khiển xe thang tham gia chữa cháy từ trên cao. “Hỏa hoạn xuất phát từ tầng 2 tòa nhà rồi cháy lên các tầng trên, chúng tôi đã rất nỗ lực để dập tắt đám cháy, cứu người bị nạn. Đám cháy được dập tắt, nhiều nạn nhân đã được đưa ra ngoài an toàn, nhưng 3 đồng đội của tôi bị thương nặng, phải điều trị dài ngày trong bệnh viện”, Trung úy Cường kể.
Trong vụ hỏa hoạn này, 2 trung sĩ: Tống Văn Đông và Dương Văn Nam của Đội CC&CNCH Khu vực 1, lúc làm nhiệm vụ cứu hộ đã nhường mặt nạ chống độc và bình khí oxy cho nạn nhân. Nạn nhân thoát cơn nguy kịch thì cả hai anh ngất lịm trong tòa nhà do ngạt khí độc từ đám cháy. May mắn sau đó các anh được đồng đội phát hiện, ứng cứu và kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Cán bộ, chiến sĩ Đội CC&CNCH Khu vực 1 làm nhiệm vụ trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa). Ảnh: Tiến Thành
Đại úy Nguyễn Đức Thuận, Phó Đội trưởng Đội CC&CNCH Khu vực 1, cho biết: Cả đội có 78 cán bộ, chiến sĩ thì hầu như ai cũng đã từng đối mặt với hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ. Kể cả Đại úy Thuận, tốt nghiệp đúng chuyên ngành tại Trường Đại học PCCC ra trường làm lính cứu hỏa đã hơn 10 năm nay, có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng không ít lần chạm mặt với “tử thần”. Anh nói: “Nhiều lắm, không thể nhớ được. Những lúc vùi mình trong đám cháy thì không thấy sợ hãi, chỉ một lòng quyết tâm cao vì tính mạng và tài sản người dân. Chỉ sau này, khi về nhà với vợ con, nghĩ lại mới hơi… run run”.
Giờ đây, tham gia công tác chỉ huy, anh càng nhận rõ hơn về trách nhiệm đảm bảo an toàn trong công tác CC&CNCH phải nắm bắt chi tiết mọi thông tin liên quan về vụ cháy, như chất gây cháy, hướng gió, địa hình, nguy cơ sập cấu hiện xây dựng… từ đó lên phương án, đề ra biện pháp kỹ chiến thuật chữa cháy hiệu quả, kịp thời và an toàn. Điều người chỉ huy này mong muốn là mọi tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp đề phòng hỏa hoạn nơi ở và nơi làm việc, để không có vụ cháy nào xảy ra. Đó cũng là cách mà mỗi người và cộng đồng sẻ chia, đồng hành với những người lính cứu hỏa.
Lính cứu hỏa vẫn vậy, hễ có tin báo cháy, họ nhanh chóng xuất kích lên đường làm nhiệm vụ, thầm lặng lao vào biển lửa cứu người, cứu tài sản. Trong đám cháy rừng rực, trái tim họ cũng hừng hực, sục sôi nhiệt huyết, sẵn sàng quên thân mình vì tính mạng và tài sản Nhân dân và niềm tự hào, vinh dự lớn lao của người lính. Tôi vẫn nhớ lời bộc bạch của chiến sĩ Lục Văn Tình: “Khi lao vào đám cháy, việc đảm bảo an toàn cho chúng em luôn được chỉ huy đề cao, xem là nhiệm vụ hàng đầu. Nhưng trong thực tế sẽ có những điều không lường trước được hết, vẫn có những rủi ro, nguy hiểm. Nhưng vì tính mạng và tài sản của Nhân dân, chúng em sẽ cố gắng, kể cả phải hy sinh cả tính mạng khi cần”.
Nguồn: Đỗ Đức (vhds.baothanhhoa.vn)