Tăng cường thực hiện Đề án 06/CP và công tác PCCC & CNCH trên địa bàn quận Sơn Trà
Sáng 12-10, lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà đã có buổi làm việc với Công an TP Đà Nẵng về kết quả triển khai thực hiện Đề án 06/CP, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn quận. Ông Hoàng Sơn Trà – Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà và Đại tá Phan Văn Dũng – Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đồng chủ trì buổi làm việc.
Đại tá Phan Văn Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Tính đến nay, Q. Sơn Trà đã thu nhận 129.750 trường hợp đủ điều kiện để thu nhận hồ sơ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, trong đó thường trú 115.309, tạm trú 14.441 trường hợp, thu nhận hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử 100.870 tài khoản; tuyên truyền, hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử 67.969/101066 tài khoản (đạt 68%). Đặc biệt, dữ liệu rà soát phạm nhân đã được cập nhật 1.821 đối tượng trong đó thêm mới 556 đối tượng, đối khớp 1.108 đối tượng dữ liệu đổ về trên hệ thống, đối khớp 157 đối tượng (hoàn thành 100%). Riêng dữ liệu công dân có bảo hiểm tại các khu công nghiệp đã được làm sạch 7.986 trường hợp. 2 nhóm liên thông đã được triển khai gồm liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú- cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và liên thông đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí trên địa bàn quận. Ngoài ra, lĩnh vực y tế đã liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe phục vụ dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp giấy phép lái xe khai dịch vụ khám sức khỏe và hỗ trợ liên thông kết quả khám sức khỏe cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến cấp 4.
Tuy đã có nhiều thành tựu, xây dựng nhiều mô hình hay nhưng vẫn còn một số bất cập trong công tác triển khai như công tác số hóa dữ liệu còn chậm chạp, việc triển khai các ứng dụng chưa đồng bộ, chưa thống nhất về thời gian, việc triển khai còn nhiều lúng túng. Các trang thiết bị, cán bộ còn thiếu, nhận thức của người dân về Đề án 06/CP chưa thực sự đầy đủ. Ngoài ra, tình trạng người dân dùng sim không chính chủ gây khó khăn trong quá trình hướng dẫn người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến.
Kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng cháy chữa cháy tại các nhà trọ địa bàn Q. Sơn Trà.
Về công tác phòng chống cháy nổ, từ 15-12-2022 đến nay, Q. Sơn Trà đã xảy ra 10 vụ cháy, 82 sự cố cháy, không xảy ra các vụ nổ. Tổng thiệt hại tài sản 1,2 triệu đồng và không có thiệt hại về người. Tính đến nay, địa bàn quận hiện có 2.408 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó có 110 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC còn tồn tại vi phạm các quy định về công tác phòng cháy, trong đó có 36 cơ sở có vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi đối thoại, trao đổi, kiểm tra thực tế, lực lượng liên ngành đã tham mưu UBND quận tổ chức tháo gỡ vướng mắc cho 12/110 cơ sở. Mới đây, lực lượng liên ngành đã tổ chức rà soát 882 cơ sở. Từ ngày 3 đến 10-10-2023, lực lượng liên ngành đã thực hiện 227 lượt kiểm tra 227 cơ sở, trong đó có 15 chung cư, 59 nhà ở nhiều căn hộ, 145 cơ sở nhà trọ, 8 nhà ở kết hợp trọ phát hiện 2 hành vi vi phạm và xử phạt với tổng cộng 8 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là vi phạm về xây dựng, vi phạm trong đầu tư xây dựng về PCCC, giao thông phục vụ công tác chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, thoát nạn, hệ thống PCCC hoạt động không đảm bảo. Nhìn chung, công tác PCCC và CNCH vẫn còn nhiều tồn tại do địa bàn rộng, hoạt động của đội PCCC và CNCH cơ sở chưa thường xuyên. Thời gian qua, việc tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tuyên truyền phổ biến kiến thức về PCCC, khảo sát, xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy gặp trở ngại lớn do nhiều cơ sở tạm dừng hoạt động. Người đứng đầu cơ sở chỉ quan tâm đến việc kinh doanh, xem nhẹ công tác PCCC. Nguồn kinh phí đầu tư cho phương tiện phục vụ công tác PCCC và CNCH còn nhiều hạn chế.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà Hoàng Sơn Trà đã yêu cầu trang bị hỗ trợ các công cụ, tài chính, bổ sung nguồn nhân lực liên quan đến công tác thực hiện Đề án 06/CP, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn; kiến nghị Công an TP Đà Nẵng có hướng dẫn việc gia tăng giải pháp về PCCC hoặc thẩm quyền về PCCC đối với công trình ra đời trước Luật PCCC hoặc ra đời trước các quy định của TCVN 2009, QCVN 06:2010, có hướng dẫn về đối tượng thực hiện thẩm duyệt về PCCC đối với công trình có số tầng cao. Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cũng chỉ đạo, thời gian đến, các bộ phận liên quan đến Đề án 06/CP, công tác PCCC và CNCH tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình, tập trung rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục. Công tác tuyên truyền cần chú trọng lồng ghép trong các buổi giao ban tại cơ sở, phổ biến rộng khắp và hiệu quả đến người dân. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc triển khai thực hiện phải được nâng cao, xác định cụ thể vai trò người lãnh đạo.
Huy động nhiều nguồn lực để tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, người dân đăng ký định danh.
Thống nhất với các ý kiến và đề xuất của Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà, Đại tá Phan Văn Dũng nêu một số mục tiêu để thực hiện trên địa bàn Q. Sơn Trà. Cụ thể: phấn đấu đến hết ngày 15-11-2023 sẽ đạt 100% người dân được kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử; 100% đảng viên, cán bộ công chức sử dụng định danh điện tử mức 2 để tích hợp các loại giấy tờ, khai thác các tính năng, tiện ích trên môi trường mạng từ ứng dụng VneID; triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu tại các khu chung cư, tổ dân phố, khu dân cư. Trong công tác quản lý nhà nước về PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý của UBND phường, xã cần tránh tình trạng giao phó toàn bộ cho lực lượng Công an, bỏ sót lọt cơ sở thuộc diện phải quản lý Nhà nước về PCCC. Đặc biệt, Đại tá Phan Văn Dũng nêu những bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ cháy nhà dân kết hợp kinh doanh dịch vụ spa, nail tại Q. Thanh Khê xảy ra ngày 11-10-2023, khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, công trình, cơ sở trong phạm vi quản lý, tuyệt đối không để cơ sở không được cấp phép xây dựng, hình thành; các khu chung cư, nhà tập thể đã sử dụng lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp phải được kiểm tra sát sao để hướng dẫn, gia tăng các giải pháp PCCC…